Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

NÓI THÊM CHO RÕ


HIỂU THÊM MỘT CHÚT VỀ CA DAO, TỤC NGỮ, CHÂM NGÔN.
****************
Tục ngữ, ca dao, châm ngôn là một trong những công trình sáng tạo trong nền tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại. Một phần cuộc sống của xã hội được thổi hồn vào bằng những câu tục ngữ, ca dao và châm ngôn hay ho, thú vị, thích hợp ấy. Thậm chí, nhiều câu ca dao, những câu tục ngữ và cả những câu châm ngôn là bước đệm, là đòn bẩy để người ta tiến thân; là nhân men, là chất xúc tác để nhiều cảnh đời vượt qua số phận; là la bàn, là kim chỉ nam để những kẻ bất hạnh đạp lên gian giao, khổ hạnh mà chấp nhận cuộc sống không kèm một điều kiện nào; là...Bởi nói cho cùng những ca dao, tục ngữ, châm ngôn được kết tinh từ những suy tư, trăn trở, thổn thức, kinh nghiệm đời sống thực tiễn của bao người. Chưa nghe, chưa thấy ai dám chế nhạo, đả kích, phê phán, báng bổ ca dao, tục ngữ, châm ngôn – lời hay, ý đẹp.  Bản thân chúng tôi cũng đã vượt qua những khó khăn, thử thách để tồn tại và phát triển trên thế gian nầy như ngày hôm nay, một phần là do được thậm nhập, dưỡng nuôi từ những câu ca dao, tục ngữ và châm ngôn đáng quí đó.
Đầu mỗi cây cầu bắc qua rạch nhỏ có đặt Bảng lưu niệm; đoạn đường cong queo, ngõ hẹp có biển báo tốc độ; trước cổng trường, trên các tiền sãnh có gắn các khẩu hiệu, chương trình hành động, mục tiêu năm học; trong phòng học được trang trí các câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt”,.... Đó là văn hóa cổ động, nó nhắc nhớ rất nhiều điều cho những ai nhìn thấy nó. Nhớ công lao, tiền bạc của người góp phần xây dựng cầu kỳ; nhắc người tham gia giao thông cẩn thận để giảm nhẹ tai nạn; động viên lực lượng giáo dục vì mục tiêu của sự nghiệp trồng người mà gia công dạy – học, giáo dục – rèn luyện. Những câu ca dao, tục ngữ, châm ngôn tinh túy ấy rất đời thường nhưng vô cùng nhân văn sâu sắc. Nếu có thầy – cô giáo nào đó chịu khó sưu tập rồi chắt chiu, chọn lọc một số trong hàng ngàn, hàng triệu những câu ca dao, tục ngữ và châm ngôn rồi tẩn mẩn, trân trọng viết lại các tác phẩm sáng tạo ấy ở một góc của giáo án, nhằm nhắc nhớ mình “hãy làm một con người chân chính, có ích cho cộng đồng, tu dưỡng rèn luyện, vượt khó vươn lên”. Âu cũng là một hình thức cổ động không mất tiền, không hao công tốn của và cũng không phản cảm mà lại đầy thi vị, cần được tán dương, khích lệ sao lại phải phàn nàn, kêu ca ?!?!?!.
Hiện nay, hàng ngày nhan nhản những hiện tượng vô cảm trước hoạn nạn của người chung quanh, trước sự xuống cấp trầm trọng, suy đồi đạo đức và sụt giảm trình độ đầu vào của một bộ phận khá đông học sinh; tệ nạn “giẫm đạp” lên nhau để mưu cầu hạnh phúc, lợi ích riêng tư của mình mà bất cần đến sự cảm nhận của người khác. Vì thế, cần lắm những lời động viên, an ủi, những phương châm hữu dụng để ứng nhân xử thế sao cho đầy ấp tình người.
                                       Đêm đầu Đông, 14/11/2014.
                                                                Nhungnguoivocam.@gmail.com

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Cần chú nhiều đến học sinh yếu - kém trong tiết luyện tập Toán 6


THẤY GÌ QUA TIẾT DẠY DỰ: LUYỆN TẬP 2 VỀ BỘI CHUNG NHỎ NHẤT
CỦA THẦY HUỲNH VĂN BI (chiều 14/11/2013) cùng dự với thầy Mẫm Em..
********************
            Dự qua tiết dạy nêu trên tôi nhận định mấy vấn đề sau:
            *Về ưu điểm:
+Tiết dạy diễn ra tương đối suôn sẻ, đúng trình tự và thời gian;
+Giải hầu hết các bài tập Luyện tập đã được ghi trong sách giáo khoa (SGK). Thậm chí giáo viên (GV) còn gợi ý nội dung “Có thể em chưa biết” về Thập can và thập nhị chi trong Thuyết Ngũ hành – Bát quái của phương Đông. Đồng thời, ngay sau phần củng cố GV còn ôn luyện lại các kiến thức cơ bản về ước chung lớn nhất (ƯCLN), bội chung nhỏ nhất (BCNN);
+Các bài tập dạng nâng cao (Tìm BC trong giới hạn cho phép bằng cách tìm B của  BCNN;
+Về kỹ năng tính toán, có nhiều em tính nhanh và tương đối chính xác: phân tích một số ra thừa số nguyên tố (là những số nhỏ và đơn giản), lập được các tích “thừa số nguyên tố chung và riêng, mỗi thừa số lấy với số mũ lớn nhất” trong các số đã được chọn. Trình bày lời giải dễ nhìn, dễ theo dõi. Nhưng,
            *Về khuyết, nhược điểm:
-Tiết Luyện tập đương nhiên là giải càng nhiều bài tập càng tốt, song cần nên chú tâm nhiều đến đối tượng học sinh (HS) trung bình – yếu, cho dù đây là tiết luyện tập thứ 2. Cách tìm BCNN và ƯCLN là một trong số ít các kiến thức và kỹ năng cơ bản làm nền tảng để các em vững bước học tiếp ở các lớp tiếp theo. Nếu HS trung bình – yếu không thực hiện được các thao tác nầy một cách thành thạo sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các kiến thức khác cao hơn như qui đồng mẫu số, rút gọn phân số,…
            Những biểu hiện của nhược điểm nầy của GV là:
            --Ở bài tập 156, 157 HS (đa phần là diện khá-trung bình-yếu) chưa sẵn sàng cho bài giải, chưa kịp nắm kỹ nội dung đề toán, GV đã vội vàng phát vấn gợi mở để tìm ra lời giải;
            --Nên yêu cầu HS yếu thực hiện các thao tác đơn giản như: phân tích các số ra thừa số nguyên tố, tìm các thừa số chung, thừa số riêng, lập tích các thừa số chung-riêng đó với số mũ lớn nhất,…
            --Bài 157, 158 thuộc dạng “Giải bài toán bằng cách lập phương trình giống như ở đại số 8”, nhưng dù mức độ đơn giản hơn nhiều cũng phải tẩn mẩn giải thích tương đối cặn kẽ, định ra hướng giải quyết mới đi vào giải;…
            *Mấy điều cần rút kinh nghiệm:
            @Hình như một số HS đã được “học trước” (học thêm trong Hè ‘2013), nên các em rất nhanh nhẩu “đối đáp”, “ứng phó” với GV khá kịp thời, đúng lúc, … dễ tạo ra “không khí tâm lý giả trong tiết học”. Nếu GV mất cảnh giác sẽ dễ bị các cá nhân “học trước” nầy đánh lừa và hệ lụy là nhiều em diện trung bình-yêu-kém nhụt chí, ngán ngại không theo dõi kịp sinh ra thua buồn (bằng chứng là có ít nhất 2-3 em “úp nghiêng mặt xuống bàn giả vờ ngủ”). Chính chúng chứ không ai khác sẽ là lực cản cực kỳ lớn cho GV các lớp trên khi dạy các đối tượng nầy.
            @Thay vì sử dụng “đội quân xung kích, tinh nhuệ” nầy để thực hiện các thao tác tính toán đơn giản, nên chăng là yêu cầu chúng lập luận lời giải của các bài toán khó nhằm hun đúc và nâng dần khả năng lý luận toán học (tính khái quát hóa, trừu tượng hóa, suy diễn logic,..). Đặc biệt là xây dựng chúng thành “cánh tay nối dài của GV”, giúp GV hướng dẫn, chỉ bảo những HS yếu-kém trong học nhóm, học tổ.
            @Vừa phát hiện, khơi dậy và bồi dưỡng những “nhân tài” phải đồng thời qua đó giúp chúng ta giảm bớt số lượng HS yếu – kém mới là thượng sách trong giảng dạy Toán hiện nay.
            @Chú ý: bài tập 158 là bài nằm trong giới hạn “giảm tải” của ngành giáo dục.
            Rất mong được trao đổi lại.
                                  Đêm giữa Đông, 14/11/2013. Vienphanhong@gmail.com.

Xin cảm ơn



THẤY GÌ QUA TIẾT DẠY: “SỐ NGUYÊN TỐ - HỢP SỐ - BẢNG SỐ NGUYÊN TỐ”
(SỐ HỌC 6) CỦA CÔ NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
************************
            Rất tiếc, thầy phải nói lời xin lỗi cô giáo Kiều Oanh vì đã vào lớp trễ khi dự tiết thao giảng, để học sinh phải đứng lên chào và giáo viên phải mất vài phút khi đang giảng dạy. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời sau gần 40 năm giảng dạy thầy lại phải để xảy ra một sự việc bất lễ như thế. Bởi thầy nghĩ rằng sáng nay chỉ họp chuyên môn chứ không hề có tiết thao giảng nầy.
            Đúng là nếu không dự sẽ tự mình đánh mất cơ hội “ngàn vàng” để mục sở thị một tiết dạy hay đến thế. Vì mọi kỹ thuật trình chiếu, mọi thao tác sư phạm của cô giáo được tích hợp, được chuyển hóa vào tiết dạy khá điêu luyện. Có lẽ cô giáo đã chuẩn bị khá công phu cho tiết dạy nầy. Đó là điều đáng ngưỡng mộ, nói lên lòng mến khách, sự tôn trọng người dự.
Những ưu điểm của cô giáo:
            -Cô giáo đã đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình trong mấy site của giáo án điện tử (powerpoint). Từ đó mà mỗi thao tác của cô khi điều khiển và trình chiếu rất “ăn khớp” với nhau, không có nhiều những sai sót, thiếu hoặc thừa. Giữa nội dung bài giảng kết hợp với phần trình chiếu rất nhuần nhuyển. Vì thế mà tiết dạy hết sức trơn tru, đã hấp dẫn chúng tôi – những người dự giờ đi từ những bước đầu đến bước cuối cùng với nhiều ngạc nhiên và thích thú.
            -Hiệu quả giáo dục và chất lượng tiết dạy được xác lập một cách rõ nét. Nhiều học sinh tham gia tích cực để xây dựng bài học và cùng giáo viên giải quyết những vấn đề khá sinh động và tốt đẹp. Đa số học sinh bị cuốn hút vào tiết học, nhất là những “hiệu ứng” làm nổi bật lên những con số cần thiết đang đề cập: “nguyên tố”, “hợp số”. Cô đã tận dụng tối đa những gì có thể trong kỹ thuật – công nghệ tin học để biểu diễn một tiết dạy rất mãn nhãn.
Còn một chút nhược điểm: Đó là
            Cô giáo chuẩn bị giáo trình một cách kỹ lưỡng đến từng thao tác một, như một algorit vậy. Vì thế, sau mỗi câu gợi ý hoặc phát vấn của cô, có học trò nào đó vô tình hay cố ý trả lời lệch đi – không theo trình tự được sắp đặt sẵn thì sẽ bị hoạnh họe, tra gạn một chút với tâm trạng chẳng vui vẻ tí nào. Thái độ không hài lòng của cô đã xảy ra ba bốn lần trong tiết dạy. Làm cho không khí lớp học đôi lúc bị chùn lại. Tiếc quá, nếu không có những “hạt sạn” nhỏ li ti điểm lên bức tranh muôn màu sắc ấy có lẽ tiết dạy của cô “trên cả tuyệt vời”.
            Tôi cảm thông và thấu hiểu tâm trạng bất ổn đôi chút đó của cô. Ngồi dự giờ mà tôi thầm nghĩ: “Không chỉ có cô giáo Kiều Oanh muốn học trò của mình phải nói theo, làm theo ý mình, mà còn nhiều, quá nhiều nữa là đằng khác, đã từng hành xử như thế với những người chung quanh, nhất là các vị lãnh đạo. Họ mong muốn sao những người dưới quyền của mình chẳng những nghe theo, nói theo, làm theo mà còn suy nghĩ theo” nữa. Ai nói khác hơn, làm khác hơn những điều họ đã “vạch ra” dù tất cả vì lợi ích của tập thể, vì cái chung, … đều bị quy chụp là “chống đối”, là “ương ngạnh”, là đối tượng cần phải theo dõi, giám sát gắt gao sớm tìm ra mưu chước để đối phó!!!.
            Tôi cảm thông cho cô rồi ai lại thông cảm cho tôi đây. Dạo gần đây, vì nhiều lý do khách quan khác nhau tôi đã mon men tiếp cận đến những đảng viên “ưu tú” đã có tuổi, gạn hỏi: “Vì sao các thầy, các cô ít (hoặc không) tham gia phát biểu trong những lần hội, họp như thế ? Nhiều thầy, cô đã buột miệng trả lời gần như trùng một ý: “Có trình độ lý luận sắc bén, có thâm niên kinh nghiệm thực tiễn như thầy mà còn bị trù dập, “bị đì”. Thầy có chú tâm để thấy điều đó không.  Lựa là tụi em, khi mà lời nói thì chưa suôn, lý luận thì ngắt ngứ, chứng cứ thì mơ hồ, … chắc chắn sẽ làm phật ý lãnh đạo, hậu quả sẽ tai hại không lường trước được”.
            Tôi không vội trả lời ngay mà thầm nghĩ: “Tóc tôi đã bạc nửa mái đầu, hà huống gì có thêm dăm ba sợi tóc sâu, chúng chỉ làm ngứa ngáy đôi lúc, chứ làm sao thay đổi được con người của tôi”, “những chông gai, hầm hố, đá sỏi trên đường dấn thân lập nghiệp đã không làm đau chân tôi thì lẽ nào những hạt cát nhỏ li ti đã được cưu mang, đùm bọc, hoạn dưỡng trong ống quần của tôi có dịp chui ra để tọt vào chiếc giầy tôi mang lại thừa cơ hội chen vào các kẽ ngón chân mà làm tấy mủ hay sao”?!?!?! Hèn chi lời tục nói chẳng sai: “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” mà!!!.
            Xin cảm ơn tiết dạy cực hay của cô giáo Kiều Oanh, xin cảm ơn những lời nhắc nhũ chân tình của quí thầy, cô đồng nghiệp. Tôi hứa sẽ học theo cách làm hay của cô giáo để mang lại hiệu quả thiết thực hơn qua những tiết dạy. Tôi hứa sẽ hạn chế tối đa có thể những lời nói của mình để không “rước họa vào thân” trong quãng đời còn lại nhằm đeo đuổi đến cùng nghiệp vĩ – trồng người. Xin cảm ơn.
Đêm giữa Thu, 10/10/2013. Nhungkhoanglanghocduong@gmail.com. 


Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Lời nói của thầy sao mà lạc lõng như tiếng gà trưa !!!



LỜI NÓI CỦA THẦY SAO MÀ “LẠC LÕNG NHƯ TIẾNG GÀ TRƯA”
*********************************
Không có gì buồn bã và lạc điệu cho bằng tiếng gà gáy vào lúc xế trưa. Tiếng gà gáy hữu dụng nhất là lúc nửa khuya hoặc gần sáng. Để nó gọi dậy những ai còn ngũ nán mặc dù có công việc phải khởi đầu từ rất sớm. Lời nói của thầy tôi cũng thế.
Tôi tốt nghiệp ra trường và về dạy ngay tại mái trường – nơi tôi đã từng học những năm bậc trung học cơ sở. Hơn ba mươi lăm năm trước, cũng dáng người hao hao gầy, trên bục giảng thầy tôi miệt mài giảng dạy. Giảng dạy say sưa như chưa bao được dạy.Thầy chủ trương dạy thế nào để có đến trên 70% học sinh trong lớp hiểu bài và vận dụng được vào giải bài tập. Thông qua ánh mắt của các em học sinh sẽ nói lên điều đó và cũng chỉ có những con mắt đam mê nghề nghiệp của những thầy giáo tận tụy với ngành mới đọc được. Thầy đã từng nói : “Tôi rất thù ghét và căm tức học trò nào không hiểu bài mà không chịu hỏi”. Bởi chính các em đó sẽ là những “trái bom nổ chậm”, là kẻ vong bạn, phản thầy chứ không ai khác. Thầy luôn tiếp cận những phương pháp giảng dạy mới – hiện đại nhưng trên tinh thần “gạn đục khơi trong”. Làm thế nào giảm cách độ chênh lệch quá xa giữa trình độ học lực các em với nhau trong cùng một lớp học. Bởi bao giờ và nơi nào có sự hiện diện của học sinh yếu kém sẽ là cội nguồn của những tệ trạng thương tâm xảy ra.
Bây giờ cũng thế, dù đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp trồng người, nhưng thầy vẫn cần mẫn giảng dạy như mới ra trường hôm qua, hôm kia đây thôi. Mọi lúc, mọi nơi thầy vẫn luôn tâm niệm một điều là “trong tiết học, mình phải dạy đến khi nào hầu hết học sinh hiểu được bài học, mặc kệ người dự giờ có nhận xét, đánh giá thế nào”. Bởi có nhận xét, đánh giá tiết dạy thế nào thì sau đôi ba tiết dự họ cũng về nơi mà họ đi. Chỉ còn lại trong ta là những học trò đáng thương đang trông chờ, ngóng đợi sự giảng dạy tận tình. Dù tiết dạy là tốt, là giỏi nhưng đàng sau đó có rất nhiều học trò ngơ ngáo, nhất là những học sinh yếu – kém thì quả là nhẫn tâm và tội lỗi.
Nhưng sự đời oái oăm, trái khoáy là vậy. Khi còn “tại vị”, mỗi lời nói của thầy như có sức quyến rủ lại kỳ. Nó quyến rủ ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là tính chân thật, khoa học và thực tiễn của nó, cộng hưởng với kinh nghiệm quá dạn dày của người. Bây giờ thì khác đi nhiều lắm rồi. Lẽ thường, người đời hay nói “không chức – không quyền – không tiền – không người”, không chức vụ thì đương nhiên không quyền thế, không tiền hô hậu ủng, dù thầy có nói hay đến đâu cũng ít được người nghe và nếu có nghe cũng chẳng làm theo.
Rõ ràng Lời nói của thầy sao mà lạc lõng như tiếng gà trưa !!!!.
Đêm mưa trái mùa, 19/11/2013. Nhunggockhuathocduong@gmail.com.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Chuyện hai người

CHUYỆN HAI NGƯỜI
****************
            Sáng chủ nhật tuần qua, có dịp vào Vĩnh Chánh – Thoại Sơn thăm lại mấy miếng ruộng mà đã mấy tháng rồi tôi không tới lui chăm sóc. Đi với tôi cho có bạn là đứa cháu ngoại kháu khỉnh, đáng yêu.
            Hai ông cháu đi một vòng bờ thửa các miếng ruộng. Miếng thì sạ lúa – lúa đã đỏ đuôi bông cái. Miếng thì trồng sen-các cánh sen hồng thi nhau đùa vui dưới ánh nắng nhàn nhạt sáng mùa Thu. Không khí sao mà đằm thắm đến kỳ lạ. Tận hưởng một buổi sáng với cánh đồng đầy hương của những đóa hoa sen nghiêng nghiêng, nhúng nhẩy, đu đưa trước gió và những bông cỏ dại ven bờ e thẹn nở muộn với những giọt sương mong manh còn sót lại. Một buổi sáng sao mà kỳ diệu đến thế.
            Nhìn sang bên kia bờ kênh nhỏ là một đám sen rộng hơn một hecta, màu sắc chúng quá sặc sỡ đã làm choáng ngợp ánh mắt hiếu kỳ của đứa cháu ngoại. Nó nài nỉ tôi phải nhanh chóng đưa  sang bên kia kênh, để hái cho được những đóa sen hồng đang nhày múa như khêu gợi và mời gọi.
            Nếu đi vòng thì phải mất đến vài mươi phút hoặc nửa tiếng đồng hồ, còn xoắn quần đi tắt ngang thì chỉ trong chớp mắt là xong. Đứa cháu ngoại trên lưng cứ thôi thúc tôi mãi. Đành chọn phương án hai, cho cháu ngồi trên vai để khỏi ướt và lấm lem quần áo, tôi lần dò cõng cháu qua kênh. Khi đến giữa kênh, mực nước dâng cao đến gần tới ngực, cháu tôi reo lên: “Ông ngoại thấp hơn con, ông đã ướt hết rồi”. Một tay cháu ôm trán tôi, tay kia xoa đầu tôi và cười reo khoái trá.
            Chưa hết con kênh, cháu ngoại đã nhảy thót lên bờ, miệng cười tíu tít, tay với theo các đóa sen để hái không dễ một chút nào. Thấy cháu mừng vui ra mặt, nhưng tôi thì một phút chạnh lòng. Có lẽ cháu đã quá hồn nhiên để thốt lên một câu rất ư là con nít, chứ “ông thì làm sao lại thấp hơn cháu” chứ !!!. Tôi không hề trách cháu, bởi trên đời còn có quá nhiều những kẻ “được người khác cõng lên lưng, lên vai mà cứ ngỡ rằng mình cao hơn thiên hạ”!!!!.
            Làm thân thầy giáo, “ơn tằm phải trả nợ dâu”, “kiếp sống lão đưa đò đã đủ rồi những gian truân, trái khoáy”. Có mấy ai sau khi thành đạt dám quay về tìm lại chiếc cầu tre lắc lẻo, con đò chòng chành trên sóng nước, ngày đêm đưa rước khách sang sông. Có mấy ai nhớ tới những thầy, cô giáo già đã tận tụy truyền cho họ những tri thức tinh hoa của nhân loại. Đáng buồn hơn là một số ít trong họ đã phủ nhận sự đóng góp của những thế hệ đi trước trong sự nghiệp trồng người. Có lúc họ cho rằng thế hệ đi trước là lực cản sự hãnh tiến của họ.
            Nhớ lại, mới ngày nào chúng chỉ là những đứa học trò tinh nghịch, dốt nát,… hoặc khá lắm cũng là những giáo sinh mới ra trường, miệng còn thoảng mùi giấy mực trường sư phạm, mà nay thoáng chốc đã trở thành những người quyền cao tước trọng trong trường học. Họ nhìn đời bằng những ánh mắt lạ lẫm đến khác thường.
            Chắc chắn vài năm sau cháu ngoại của tôi sẽ nhận thức lại câu nói ấu trĩ của mình, còn các ngài quản lý trường học thì sao?!?!?.
                        Đêm trở gió Bấc, 11/11/2013. Nhungnguoivocam@gmail.com.