Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Thăm gia đình học sinh - sinh viên nghèo hiếu học

MỘT GIA ĐÌNH HIẾU HỌC ĐÁNG TRÂN TRỌNG.
******************
          Lần dò theo lời kể của em Đức – đứa học trò cũ để tìm đến nhà chị Lê Ngọc Ánh 56 tuổi, nhà số 344, ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để biết rõ thiệt hư về một gia đình nghèo hiếu học đáng nễ. Chúng tôi đến nhà thì trời đã gần chập tối. Tôi tranh thủ lấy máy ra chụp mấy tấm: cảnh nhà, ngôi mộ của chồng và nội thất nhà chị. Đồng thời tôi cũng hỏi thăm người hàng xóm về nền nếp sinh hoạt và mối quan hệ giao tế của chị, bởi lúc đó chị Ánh đi bán vé số chưa về kịp.
          Chúng tôi ngồi bệt xuống nền nhà bằng gạch tàu còn mới. Được biết căn nhà tình nghĩa nầy được chính quyền địa phương vừa cất cho trong diện hộ nghèo, tổng giá trị khoảng 20 triệu, trong đó chị Ánh phải bù thêm 8 triệu. Số tiền 8 triệu nầy được nhà nước cho vay, chậm tính lãi sau 3 năm. Lát sau thì chị Ánh cũng về tới trên chiếc xe đạp  cũ kỹ với đầy ấp những chai mũ trên giỏ. Cứ mỗi lần đi bán vé số là chị thu nhặt các vỏ chai mũ bên vệ đường hay trong các tiệm quán, khách uống xong quăng xó đâu đó. Nhiều ngày gom lại, chị bán phế liệu cũng được ít tiền.
          Chồng chị tên Nguyễn Công Toàn, quanh năm suốt tháng chỉ với nghề bóc vác lúa, gạo cho nhà máy xay xát gần đó. Có lẽ do công việc vất vả, cực nhọc lại không được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để điều trị kịp thời. Đến khi ngã bệnh thì đã quá nặng không cứu chữa được, anh đã từ giã cõi đời vào ngày 24 tháng 11 năm Ất Dậu – 2005, hưởng dương 46 tuổi với chứng bệnh xuất huyết não.
          Anh ra đi bỏ lại ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Cảnh nhà túng quẩn lại càng túng quẩn hơn. Vì đã mất đi một lao động chính, rường cột và là chỗ dựa về kinh tế cho cả gia đình. Mai táng cho chồng xong, chị Ánh lại tiếp tục cái nghề đi bán vé số, để nuôi sống gia đình và cho 3 con ăn học tấn tới. Bởi gia đình không có tư liệu sản xuất ngoài hai bàn tay trắng để bóc vác của chồng và mua bán vé số của chị. Đã nhiều lần, người thân hoặc hàng xóm đau xót trước cảnh tình của chị, khuyên chị cho hai đứa con lớn nghỉ học để đỡ đần việc gia đình. Nhưng chị kiên quyết cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Bởi chị nghĩ, có đi học mới thoát khỏi cảnh nghèo, còn nếu các con ở nhà tiếp mẹ thì đói khổ vẫn hoàn đói khổ.
Ý thức được tâm ý của mẹ, thấu rõ hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau và cảm thông trước nỗi đau mất chồng và sự tần tảo của mẹ, các con của chị cố công học tập và tiếp tay mẹ làm bất kỳ công việc gì có thể được. Đến nay, cả ba đứa con của chị đều đã bước vào ngưỡng cửa đại học. Cụ thể là:
          +Đứa con trai lớn, Nguyễn Công Minh, sinh năm 1991, hiện là sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành Bác sĩ Y học dự phòng;
          +Con gái kế tên Nguyễn Kiều Loan, sinh năm 1993, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Y dược Cần Thơ, cũng ngành Bác sĩ Y học dự phòng;
          +Đứa con út, Nguyễn Hoài Phương, sinh năm 1994, sinh viên năm thứ 1, trường Đại học Cần Thơ, ngành Kỹ thuật môi trường.
          Ba anh em của chúng thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết nương tựa vào nhau mà sống để đeo đuổi việc học. Cháu Công Minh và Kiều Loan đã phấn đấu hết sức mình để sớm ổn định việc ăn học bằng cách dạy kèm cho con, em các gia đình ngoại ô thành phố Cần Thơ. Rõ ràng tại cái xứ sở phồn hoa đô hội để tìm một công việc có thu nhập chính đáng và tạm chấp nhận được thật không dễ dàng chút nào. Nên hai cháu phải vất vả lắm mới xoay xở được để lo cho cái ăn, cái mặc, tiền trường, tiền điện, tiền nước.
          Chú Năm hàng xóm, gần nhà chị Ánh kể lại: mười mấy năm qua, ở sát bên nhà, tôi không thấy các cháu ăn quà vặt. Sáng nào thím Ánh cũng thức dậy thật sớm nấu một nồi cơm, nếu hôm đó có thức ăn, bằng không thì nồi cháu trắng, rồi cả nhà cùng quay quần bên mâm cơm, cháo đạm bạc. Xong rồi, chồng đi vác lúa mướn, vợ đi bán vé số, các con thì đi học. Hình như các cháu ở đây quanh năm suốt tháng chẳng biết ăn quà vặt là gì!!!. Chú cũng kể lại, có hôm gần tới giờ xổ số, trời mưa bán ế,  trên tay cầm dăm bảy tờ vé, chị hớt hơ hớt hải chạy đến từng nhà hàng xóm nài nỉ mua dùm mà quên cả thân mình đẫm ướt.
          Hiện nay, khổ tâm và nỗi lo lắng nhiều nhất tập trung cho thằng út Nguyễn Hoài Phương. Bởi nó mới vào đại học năm thứ I, chân ướt chân ráo ở xứ lạ quê người, chỉ có học chứ chưa tìm được việc làm để phụ mẹ trong các khoản chi tiêu của mình, đành phải chìa tay xin mẹ vài trăm ngàn đồng bằng tiền bán vé số của mẹ dành dụm được. Anh Minh, chị Loan cũng đã tằng tiện, chắt chịu để bù đắp cho đứa em út của mình.
          Lúc tiếp chuyện với chúng tôi, dù nhuễ ngoại mồ hôi, do chạy xe đạp cả chục cây số về nhà, nhưng chị vẫn nở nụ cười hãnh diện khi đưa cho chúng tôi xem những giấy khen, bằng khen và các giấy chứng nhận thành tích học tập của các con. Đặc biệt là cháu Công Minh đã đạt nhiều giải cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Chúng tôi len lén nhìn chị mà chạnh lòng không sao kềm chế được sự xúc động. Bởi với cái tuổi nầy hầu hết phụ nữ đã nghỉ hưu, đã không tham gia lao động. Còn chị thì tảo tần sớm hôm với công việc bán vé số. Mỗi ngày chị phải đi lại hàng chục cây số trên mọi nẻo đường, tiếp xúc hàng trăm người bằng những lời chào mời ngon ngọt để mong sao những tờ vé số trên tay vơi dần. Ngoài việc đảm bảo hai bữa cơm sáng chiều, còn phải chắt chiu gửi đến các con ăn học.
Thanh thót, nhanh nhẹn là vậy, nhưng khi về đến nhà, tay chân chị như rã rời, nhức mõi. Cơn bệnh sỏi thận cũng không buông tha cho chị, nó cứ đeo đẳng để hành hạ chị. Không biết khi chị ngã lăn ra bệnh thì việc gì sẽ xảy ra.
Thật là một gia đình hiếu học đáng trân trọng và cần lắm sự giúp đỡ của bao người.
Đêm đầu Đông, ngày 03 tháng 11 năm 2012. Thamgiadinhhocsinh@gmail.com.

Học đường và những trái khoáy


LÀ NHỮNG CHIẾN SĨ THI ĐUA ĐÓ SAO?!?!?
***********
Nhân khi ký tên nhận lương tháng 11/2012, tôi bất chợt đọc qua danh sách cán bộ giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) năm học vừa qua. Tôi không tin vào mắt mình. Vì sao trong danh sách lại có 2 thầy giáo đã từng bị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở về thái độ vô cảm và tắc trách trước việc học tập và rèn luyện của học sinh mình. Tôi cũng đã từng chứng kiến và góp ý nhiều lần với hai vị giáo viên nầy, bởi nhiều lẽ: cả hai đều là “học trò ruột” của tôi – vì trước đây chúng học khá tốt môn Toán, cả hai cùng kinh qua các chức danh quan trọng của trường như là Bí thư Chi đoàn rồi Phó Hiệu trưởng, Chi ủy viên kiêm Bí thư Chi đoàn, …
Trước thái độ vô cảm và tắc trách của hai vị giáo viên kể trên, nhiều lần tôi tự hỏi: “Có phải chăng, từ một giáo viên giữ nhiều cương vị quan trọng bị “thất sũng” lại không đạt các danh hiệu thi đua nhiều năm nên đâm ra bất mãn, thoái thoát bổn phận thầy giáo của mình. Những biểu hiện của chúng, đã nhiều lần tôi viết thành “Ngày càng có nhiều chuyện lạ trong học đường”. Tôi xin đơn cử bằng các trích dẫn sau:

-Trước mắt chúng tôi, chiều thứ năm 03/5/2012, khi vừa trong họp HĐSP bước ra, đã thấy 7 giáo viên nam đang quay quần bàn cờ tướng, phía trước nhà bảo vệ Hùng, phó mặc cho nội dung cuộc họp chiều nay như thế nào !!! (Hai kỳ thủ chính là hai vị giáo viên tôi đã đề cập.)
-Chưa hết, chiều thứ bảy 05/5/2012, một học sinh nữ - đang là lớp trưởng của một lớp 8, bước vội vào Phòng Giáo viên với thái độ giận dữ và hằn học : “Thầy lên giải quyết coi, cả lớp mất trật tự, em không chịu nổi”. Ừ, em lên trước đi, chốc lát thầy lên. Một trong ba giáo viên nam đang thực hiện các trò chơi trên mạng, lên tiếng !!! (Hai trong số đó là hai vị giáo viên đạt CSTĐ).
-Còn nữa, ngồi trong Phòng Giáo viên để vào điểm, nghe tiếng ồn ào, quát tháo văng vẳng từ các phòng học gần Văn phòng Hiệu trưởng, tôi vừa đi trả các Sổ GTGĐ vừa xem tình hình thực hư thế nào. Thì ra, lớp 7A1 không có thầy, cô giáo chủ nhiệm, học sinh “tự xử” như một cái chợ. Lớp 7A2 thì tương đối ít ồn ào hơn vì có thầy chủ nhiệm ngồi trên bàn nhưng đang chăm chú, mãi mê ghi chép gì đó. Tôi trở lại Phòng Giáo viên và nhắc nhủ : “Lớp 7A1 là của chú chủ nhiệm ? Sao không vào lớp để ổn định, lớp mất trật tự quá”. Dạ, tiết hoạt động ngoài giờ, để cho nó “quậy” đã đi !!!. Một thầy giáo đang lúy húy và khoái trá với các videoclip trên mạng, trả lời tôi. Thật là một chuyện lạ đến khó nghe lọt tai. Hình như lúc nầy, chẳng thấy có “ai” ở văn phòng Hiệu trưởng cả. Thì ra người thốt ra những câu nói khó nghe đó lại là Chiến sĩ thi đua!!!.
-Chiều thứ hai 21/5/2012, hầu hết thầy, cô giáo và học sinh đều tập trung cho buổi chào cờ đầu tuần. Đang khi đó, cũng có đến 4, 5 giáo viên nam đang chăm chú vào bàn cờ tướng ngoài quán nước, đối diện trước cổng trường. Họ bỏ mặc cho học trò lớp mình chủ nhiệm đang lắng nghe những thông tin mới từ một cán bộ phụ nữ xã thuyết trình, những nhận xét của Tổng phụ trách Đội và các chỉ thị của thành viên Ban Giám hiệu nhà trường. Hai trong số  vị giáo viên“ quay lưng” trước sự quán xuyến bất kham của Tổng phụ trách Đội ở sân cờ cũng lại là hai vị Chiến sĩ thi đua vừa nói.
………………….
Đó là số nhỏ những hình ảnh mà tôi mục kích được khi những buổi dạy – học có mặt của tôi. Còn vô vàn những buổi dạy – học khác thì sao??? Giấy bút nào ghi chép hết những trái khoáy đó. Hình ảnh những Chiến sĩ thi đua là như vậy sao? Tiêu chí nào lại kỳ quái đến thế?
Vậy thì “Có phải chăng công tác thi đua của nhà trường ta đã có vấn đề - đã biến tướng để không còn thấy thực chất tốt đẹp cần phấn đấu của nó”. Xin nhanh chóng chỉnh sửa.
                Đêm đầu Đông, 08/11/2012. Nhungtraikhoayhocduong@gmail.com

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012


LẠM BÀN VỀ CÁI GỌI LÀ “QUI CHẾ CHUYÊN MÔN”.
************************************
          Hiện nay, tại các đơn vị trường học, người ta hay bắt bẻ nhau về vi phạm cái gọi là “qui chế chuyên môn”. Thực hư về vấn đề nầy, xin lạm bàn mấy ý kiến sau:
          Theo thiển ý của tôi, qui chế chuyên môn dạy học (gọi tắt là qui chế) là những qui định, những nguyên tắc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dạy – học của các cấp có thẩm quyền trong ngành giáo dục. Cụ thể là từ Điều lệ trường trung học, các Chỉ thị, các Thông tư, những Quyết định, … của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho đến Nhiệm vụ năm học của các Phòng chức năng của Sở, Tổ nghiệp vụ của Phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường học. Những qui định, những nguyên tắc nầy đều được các thủ trưởng đơn vị chủ quản ký tên, đóng dấu.
          Nhưng cũng có những qui định, những nguyên tắc của các vị thừa hành “tự tạo ra” theo cảm nghĩ chủ quan của mình nhằm đạt được những mục đích nhất định. Có thể là những “chỉ đạo miệng”, những “khẩu lệnh quản lý”, … của các Trưởng phòng chức năng Sở GD&ĐT, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ, Chủ tịch Hội đồng bộ môn (HĐBM), chuyên viên Sở - Phòng – Trường tiêu biểu dự các lớp tập huấn từ trên về triển khai lại rồi “luôn miệng gợi ý”, các thanh tra viên kiêm nhiệm đưa ra những nhận xét chủ quan khi dự giờ thăm lớp.
          Ban đầu những qui định “truyền khẩu” ấy chỉ thực hiện ở một nhóm trường học. Thấy được, các cấp thẩm quyền mới phổ quát rộng rãi ra nhiều đơn vị. Dần dà trở thành quán tính, thành thói quen và những qui định “bất thành văn” ấy lại được các vị quản lý trường học khai thác triệt để hòng sớm trở thành là “bảo bối”, là “cánh tay thép”, … có cớ mà thị uy cấp dưới, để chứng tỏ mình là cán bộ quản lý trường học mẫn cán. Từ đó mà “mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chẳng có ông P.Hiệu trưởng chuyên môn nào giống ông nào về cung cách quản lý. Mỗi ông là một “họa sĩ” dù chẳng biết chút gì là mỹ thuật. Từ mới nẩy sinh hiện tượng:
          +Có trường yêu cầu giáo viên bộ môn (GVBM) phải lên Lịch báo giảng, có trường thì không. Có trường yêu cầu GVBM phải mang theo những “bảng phụ” khi lên lớp, vì đây là một đồ dùng dạy học (ĐDDH) chuyên dụng – đặc trưng cho phương pháp giảng dạy mới, không sử dụng, dù tiết dạy có hay đến mấy cũng chỉ xếp loại khá !!!!;
          +Có trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải ghi toàn bộ nhận xét ở trang cuối của Sổ GTGĐ dù đây là trách nhiệm của Hiệu trưởng theo qui định của ngành;
          + . . .
          +Việc “ký duyệt hồ sơ sổ sách (HSSS) và giáo án” hàng tháng của Tổ trưởng với nhiều GVBM có tay nghề cao, có thâm niên nghề nghiệp, đã mang nhiều tính hình thức, khuôn sáo và lố bịch. Cần thay đổi cách làm nầy để giảm bớt sự “cào bằng”, “đánh đồng”, … có khi hơi tàn nhẫn giữa những kẻ mà “tuổi nghề của người nầy còn nhiều hơn cả tuổi đời của người kia”. Bởi mục đích sử dụng giáo án, đối với người nầy là “để dạy” còn với kẻ kia là “để ký”.
          Thực tế đã chứng minh, cho dù là nguyên tắc, những qui định mang tính pháp lý cao độ như những văn bản pháp qui kể trên cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh, … hoặc hủy bỏ theo thời gian, một khi nó đã lạc hậu với hiện tại, nó đã kềm hãm hoặc trở thành vật cản cho quá trình hoạt động. Huống hồ nó là những qui định “bất thành văn”, những khẩu lệnh, những chỉ đạo miệng vô tội vạ.
          Làm ơn cởi trói cho chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi thoải mái hơn, thông thoáng hơn và tự do hơn để tập trung đầu tư nhiều cho tiết dạy, cho nội dung bài giảng, cho những đổi mới phương pháp truyền thụ, … nhằm góp phần đào tạo những con người có kiến thức sâu rộng, có tư duy sáng tạo, thông minh đĩnh đạc, có hạnh kiểm – đạo đức – tác phong - nhân cách toàn diện, trong khi còn quá nhiều áp lực khác ngoài xã hội đang đè nặng lên đôi vai thon nhỏ của mình. Có như vậy, mới giảm dần hệ lụy của vấn nạn “học sinh yếu kém năng lực học tập và hành vi rèn luyện hạnh kiểm, đạo đức” đang tồn tại khá nặng nề hiện nay tại trường ta.

ĐỨA HỌC TRÒ NGHÈO ĐÃ THI ĐẬU VÀO HAI TRƯỜNG ĐẠI HỌC.
********************
          Alô. “Con đậu vào hai trường đại học rồi thầy ơi. Con mừng quá, dạo nầy thầy có khỏe không? Trước khi nhập học, con sẽ rũ tụi bạn ngày xưa – lớp 8A2 đến thăm và báo công với thầy. …”. Đó là tiếng nói trong trẻo trộn lẫn niềm vui rộn rả của một đứa học trò cũ từ đầu bên kia của điện thoại di động.
          Tôi đặt máy xuống, trầm ngâm giây lâu để hình dung lại dáng vẻ của đứa học trò cũ. Ừ thì ra, đó là giọng nói của em Phan Thị Mỹ Tú. Em vừa hân hoan báo kết quả thi tuyển sinh vào đại học niên khóa 2012 – 2013. Không biết bây giờ thì sao, chứ trước đây 4 năm, em là một nữ sinh khá mảnh khảnh và nhút nhát. Nhà em nghèo lắm, cha em tên Phan Văn Trí, 45 tuổi và mẹ là Huỳnh Thị Tố Nguyên, 44 tuổi. Dù nghề nghiệp chính là làm ruộng, nhưng gia đình chỉ có một mảnh đất nhỏ của cha vợ cho đủ để cất một căn nhà tránh nắng, che mưa, ở nửa cuối rạch Lâm Vồ, ấp Bình Thạnh II, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
          Có thể nói, thời gian Mỹ Tú cùng cha, mẹ náo nương căn nhà trên chỉ bằng một phần ba thời gian gia đình xa cách nhau. Bởi khi em bước chân vào lớp 6 cũng là lúc cha, mẹ em phải tần tảo mưu sinh nơi đất lạ quê người tới tận thành phố Hồ Chí Minh với bao nhiêu là công việc. Em phải sống đùm đậu với ông, bà ngoại nhà sát bên để được chăm sóc, dưỡng nuôi.
          Sau khi học hết lớp 9 tại trường THCS Hòa An, em đã trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Hòa Bình với số điểm khá cao. Rồi từ đó em mãi mê với việc học hành dù chung quanh chẳng có cha, mẹ, anh chị nào giúp đỡ. Bởi em là con một trong gia đình.
          Cuối năm học lớp 12, em thi tuyển vào đại học, kết quả ở khối A1 đạt 16 điểm và khối D được 20 điểm. Do vậy, em đồng thời đậu vào trường đại học An Giang ngành Kinh tế quốc tế và trường đại học mở thành phố Hồ Chí Minh ngành Kế toán. Em đã chọn theo học ngành Kế toán thuộc trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh cho tiện gần gũi với cha mẹ. Vì hiện nay, cha, mẹ em đang náu nương trên nầy để làm công nhân cho một nhà máy chuyên mua bán và thu gom phế liệu.
          Rõ ràng, mọi cố gắng rồi cũng được đền đáp. Sự chăm chỉ của đứa học trò nghèo, luôn xa cách tình yêu thương và sự vỗ về của cha, mẹ đã mang lại kết qủa khá mỹ mãn : được vào đại học bên cạnh hai người thân yêu nhất sau hơn mười năm không chung sống bên nhau. Chúc đứa học trò nhỏ ngày nào tiếp tục chắp cánh bay cao trong khoảng trời tương lai đang rộng mở.

                                              Đêm mưa Thu – 2012, Vienphanhong@gmail.com.

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2012


ĐỨA HỌC TRÒ NGHÈO VƯỢT KHÓ HỌC GIỎI
*******************
          Em tên là Nguyễn Thị thu Hiệp sinh ngày 07/07/1997 là con của Nguyễn Văn Thuận và mẹ là Lê Thị Mai Anh, nhà số 175, tổ 4, ấp Bình Thạnh II, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hiện là học sinh lớp 9A2, trường THCS Hòa An.
          Ngay từ những ngày đầu của lớp 8 năm học 2010 – 2011, em đã không đến trường để học vì nhà nghèo. Cha em thì bệnh hoạn liên miên, ốm yếu – không làm mướn cho người ta như những năm trước đây. Mẹ cũng đã lớn tuổi, quanh năm suốt tháng chỉ với việc chằm nón lá, thu nhập quá ít ỏi, đủ đong gạo ăn hằng ngày. Chị gái cũng chẳng khấm khá là bao. Đã hơn hai mươi tuổi mà thân hình mảnh khảnh, yếu ớt, chẳng làm gì ra tiền ngoài việc cùng mẹ quanh quẩn chằm nón lá để đỡ đần cha lo cái ăn, cái mặc đắp đổi qua ngày.
          Cả gia đình bốn nhân khẩu phải sống hẩm hiu trong căn nhà lợp tol, vách lá, xiêu vẹo, tạm che nắng tránh mưa nhưng trống trơ, trống hoác, không có vật dụng gì là quí giá ngoài chiếc chỏng tre đặt chơ vơ ở nhà trước.
          Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2 của em Thu Hiệp đã than vắng, thở dài khi gần như bất lực trước việc bỏ học giữa chừng của em. Cô đã đánh tiếng nhờ vào “tài vận động” của tôi. Hỏi qua mới biết em Thu Hiệp là học sinh giỏi và hạnh kiểm tốt ở năm lớp 7 với hoàn cảnh gia đình khó khăn như thế. Tôi tìm đến và nắm rõ sự tình, đúng là sự thật như đã trình bày ở trên. Sau hơn một tiếng đồng hồ trao đổi với cha, mẹ em, cuối cùng gia đình hứa sẽ tạo mọi điều kiện cho Thu Hiệp đến lớp.
Từ đó em theo học đầy đủ và là học sinh giỏi của lớp, của trường và là thành viên của đội học sinh giỏi Toán và máy tính bỏ túi.
Vào những tháng đầu của năm học mới, em Thu Hiệp biểu hiện sự lo toan về tương lai của mình. Khi cha của em thì đau ốm quanh năm không làm việc nặng nên ít được người ta thuê mướn. Còn mẹ thì cũng đã ngoài năm mươi, cái tuổi để làm ra tiền thật chẳng dễ dàng chút nào. Ngoài sớm chiều với việc chằm nón lá kiểu “ăn trước trả sau”, mẹ của em Hiệp không còn thu nhập nào khác. Chị ruột của em vẫn vậy, vẫn gầy gò, yếu ớt, sức khỏe kém chỉ cùng mẹ đeo đẳng với nghề chằm nón lá để có tiền đong gạo qua ngày.
          Có dịp đi viếng gia đình các học sinh khác, tôi ghé vào hỏi thăm và động viên em. Em rơm rớm nước mắt, nói trong nghẹn ngào “em có thể không theo học được nữa, chứ làm sao nghĩ đến việc thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu, thầy ơi !!!”. Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu tọa lạc tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chất lượng giảng dạy rất tốt. Tỉ lệ tuyển sinh vào đại học của trường nầy hằng năm thường rất cao. Tôi đã nhiều lần gợi mở, động viên để các em đặt trọn niềm tin và kỳ vọng thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu.
          Cám cảnh nỗi lo toan, phiền muộn của Thu Hiệp, tôi đã tâm tình cởi mở với cha mẹ em. Và hứa sẽ chu cấp hàng tháng 150.000 đồng để em có tiền đi học mỗi ngày. Em mừng vui ra mặt. Ngấn lệ ứa ra từ hố mắt tuyệt vọng của em bất chợt trào ra thành những giọt ngắn dài. Nụ cười gượng gạo nhoẽn trên môi bởi em không thể giấu đi những giọt nước mắt còn đang dàn dụa trên má. Và từ ấy đến nay, việc học hành của em đã tấn tới. Em vừa đạt giải “C” kỳ thi học sinh giỏi “máy tính bỏ túi cấp tỉnh” (sau khi đạt giải nầy vòng huyện).
          Tôi hiện là giáo viên lớn tuổi và thâm niên nhất trong trường lại mang nhiều chứng bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, viêm đa khớp. Liệu có còn đủ khả năng chu cấp hàng tháng để em Thu Hiệp theo đuổi hết con đường học vấn mà cả trò và thầy hằng mong muốn. Vì vậy, tôi thiết tha kêu goi những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm ra tay tiếp sức để em Thu Hiệp được thực hiện trọn vẹn niềm ước mơ của mình và cũng là sự hoài vọng của tôi. Chân thành cảm ơn trước.
                    Đêm giữa thu, Vienphanhong@gmail.com

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Mấy điều cần suy ngẫm.

MẤY ĐIỀU CẦN SUY NGẪM.
*****************
          Kể từ những ngày nầy năm ngoái, tôi đã bỏ thói quen viết nhật ký vì bận bịu việc giám sát công trình xây dựng “Bờ kè gia đình” của cha vợ. Tôi đã bắt đầu viết nhật ký từ những ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Gạt bỏ một thói quen đã hình thành trên ba mươi năm lăm là một việc chẳng dễ dàng chút nào.
          Ngoài việc bỏ thói quen viết nhật ký – một thất bại khá lớn, tôi còn phải bị thiệt mất ba, bốn triệu đồng khi không dạy thêm trong hè ‘2011. Tôi có kinh nghiệm dạy thêm từ khá lâu – từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Lúc đó, mỗi ngày tôi dạy (chạy sô) đến 3, 4 điểm học, rải đều trên tuyến lộ từ  Bình Phú – Bình Quới xã Hòa An tới An Thuận – An Thái (Hòa Bình). Nhưng cái đáng tiếc hơn hết là không được truyền đạt những kiến thức – kỹ năng, nhất là những kinh nghiệm “quí báu” trong dạy – học từ bản thân mình.
          Khuya nay, tôi lại có tâm trạng muốn thực hiện lại viết nhật ký. Bắt đầu từ bây giờ.
          Chiều rồi, dù trời mưa, đường sình lầy, trơn trợt, tôi vẫn đến các lớp đã dạy để “phát thưởng” cho những học sinh (HS) có tiến bộ môn toán so với học kỳ I. Tiếc thay, lớp 7A4 sau khi tổng kết xong đã đi ăn liên hoan ở quán “đầu lộ”, chờ đợi mãi vẫn không tập trung đủ - chỉ vài ba em. Tôi dành phần còn lại cho những học sinh nghèo khác. Niềm vui chưa được trọn vẹn, nhưng cũng là một khích lệ, cảm kích trong tôi. Và tôi quài quả ra về để ghé trường Mẫu giáo rước đứa cháu ngoại “đang chạy chương trình văn nghệ” tại đây sau khi hăng hái cùng các thầy giáo chuẩn bị sân lễ cho ngày mai.
          Đêm nay, nằm nghe các cơn mưa ào ào trên mái tol, mà chạnh lòng, tôi cứ lo lắng cho buổi tổng kết và khen thưởng cuối năm của nhà trường. Tôi tưởng tượng, với chừng ấy con người – trên 300 HS Tiến tiến và Giỏi, cộng với gần một trăm cán bộ giáo viên, nhân viên, đại biểu khách dự, thì làm sao hội trường kham nổi. Chưa kể, việc chuyển tải, di dời hệ thống âm thanh và gần một ngàn phần thưởng từ văn phòng đến hội trường cách nhau gần 100 mét thì khó khăn biết nhường nào.
          Sáng nay, nhập nhằng lắm tôi mới đưa xe vượt qua khúc đường sình lầy, trơn trợt trước nhà để chở cháu ngoại đến trường Mẫu giáo ca múa và nhận phần thưởng cuối năm. Sau khi hỏi thăm tình hình công tác Đảng nói chung và việc công nhận 30 tuổi đảng của cô Quyên với Trường Sơn, Nam Việt và khước từ việc dự Lễ tổng kết ở trường Mẫu giáo với cô hiệu trưởng Kim Thảo, thầy Lư, anh út Đừng (Thanh Hà) – BTT.Hội PHHS, tôi đến trường THCS Hòa An.
          Đến đây, toàn thể HS, CB-GV và khách dự đã tập trung đông đủ chuẩn bị vào nội dung buổi lễ. Cuộc đời tôi, ngại nhất là đến cơ quan muộn, lại là buổi lễ Tổng kết quan trọng nầy. Tự thấy bộ dạng mình, chân mang dép lại dính nhiều sình đất, quần áo thì giản đơn. Trong quán, trước cổng trường còn 2 giáo viên nam đang nấn ná ăn sáng, tôi đành bước tạt vào trong uống ly cà phê và gửi hồ sơ vào trường (Phiếu điểm cá nhân, Tờ tự kiểm đảng viên chấp hành điều lệ đảng và Tờ tự kiểm về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- gửi nhờ qua cô Huyền). Còn có nguyên nhân sâu xa không tham dự lễ tổng kết là muốn làm quen, trải nghiệm “sự trống vắng ” bằng cách lẩn tránh sự náo nhiệt của buổi lễ trước khi về hưu.
          Ngồi hồi lâu khi ly cà phê đã cạn, tôi tranh thủ trở lại trường Mẫu giáo tìm cách gần gũi và chở đứa cháu ngoại về nhà. Nhớ lại, chiều qua, cũng trước cổng trường Mẫu giáo, xuýt nữa cháu ngoại đã bị xe tông lúc liến thoắng chạy qua đường khi cô giáo “chạy chương trình xong” cho phép ra về. Nghĩ đến đây tôi đã rợn người với cảnh tượng chiều qua. Đây cũng là một nguyên nhân rất riêng, không phó mặc cháu để vào trường THCS dự lễ.
          Chiều nay, sau khi nghỉ trưa, tôi chạy 1 vòng trong xã tìm đến han hỏi các đứa học trò nghèo, ngoan hiền và học giỏi để động viên và tặng tiền, tập – sách, tạo điều kiện cho chúng học tốt trong hè và năm học tiếp sau. Đó là các cháu : Quốc Yên (lớp 7), Kim Xuân (lớp 8), Ngọc Minh, Minh Mẫn, Thu Hiệp (lớp 9) và Thanh Hiền (lớp 11). Khi đi ngang qua trường, thấy còn nhiều xe gắn máy đậu trong sân, chắc tiệc chưa tàn. Muốn ghé vào chơi, nhưng sợ phá tan không khí vui vẻ, đành ôm tâm sự về nhà với nhiều điều cần suy ngẫm.
Đêm mưa giữa đầu mùa Hạ, ngày 26/5/2012. Tambangden@gmail.com.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Ai cũng biết, chỉ riêng ... không biết !!!


AI CŨNG BIẾT, CHỈ RIÊNG ……. KHÔNG BIẾT !!!
**********************
          Có rất nhiều chuyện “Ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”. Đó là :
1)-Đã lâu lắm rồi Ban Giám hiệu không tổ chức chấm phúc khảo các bài kiểm tra 1 tiết, bài thi học kỳ, … thì làm sao đánh giá chính xác tay nghề của giáo viên bộ môn (GVBM). Giữa điểm bài thi và điểm ghi vào Sổ Gọi tên ghi điểm (GTGĐ) còn có những khác biệt, thì ai dám bảo rằng những con điểm hiển thị trong hồ sơ giáo vụ là “khách quan, vô tư, công bằng” và trong hồ sơ học vụ và đúng thực chất trình độ học tập của học sinh ?!?!?.
          2)-Vì sao, các điểm kiểm tra (miệng, 15 phút, 1 tiết của một số học sinh (HS) thì rất giỏi (≥9 hoặc ≥9,5, thậm chí =10), nhưng điểm thi học kỳ, có em 6, 7, 8, 9 điểm. Các diện khác cũng tương tự như thế, nghĩa là HS “học ở lớp” là trung bình (TB), nhưng điểm thi thì dưới 3, HS khá thì dưới 5. Lý giải vấn đề nầy như thế nào ? Có phải đó là hậu quả của việc nhận xét – đánh giá quá thoải mái, dễ dãi đến “tự tung, tự tác” của nhiều GVBM chăng ? Và hệ lụy tất yếu là nhiều năm học qua tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 thấp, đặc biệt là các bộ môn cơ hữu : Toán, Văn, Anh văn ?!?!?. Cũng may là chỉ có 3 môn thi Toán, Văn, Anh văn. Nếu môn nào “có học thì có thi” thì không biết vấn nạn HS bị điểm 0 (không) ở các môn không cơ hữu có nhiều hay ít !!!.
          3)-Khá lâu rồi Đề thi học kỳ đã “không còn là bí mật” nữa, “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”. Vì các biểu hiện sau :
                   -Đề thi học kỳ đã thông báo rộng rãi trên các email (nếu có) của mỗi GVBM để “tham khảo”,
                   -Ban Giám hiệu đã cử một thành viên “có uy tín” nhận các đề thi bằng USB từ các Tổ trưởng, “format lại”, in ra và photo thành nhiều bản phục vụ các phòng thi. Đâu còn là “của riêng” của người ra đề,
                   -Một bộ phận khá đông GVBM đã vô tình hay hữu ý ôn tập học kỳ theo “đề thi” thay vì đề cương !!!. Việc nầy “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”.
          Vậy thì cần gì mà phải lập Biên bản kiểm tra bì đựng đề thi trước mỗi lần mở đề !!!.
          4)-Có vài HS số buổi nghỉ học trong năm trên 45 buổi vẫn nghiễm nhiên “lên lớp thẳng”, thì các năm sau chúng cần gì mà phải đi học đều !!!. Động cơ nào mà chúng phấn đấu, “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết” . Hèn chi, nhiều lắm những HS xem đi học là một “cuộc dạo chơi tùy thích”, nhà trường là một hí trường, để chúng có dịp khẳng định những cá tính của mình, đồng thời thử thách tài giáo dục của thầy, cô giáo bộ môn – chủ nhiệm và bản lĩnh quản lý của Ban giám hiệu nhà trường !!!.
          5)-…
Như vậy,
          *Muốn cho công tác tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đạt hiệu quả cao, ngoài những giải pháp mang tính căn cơ là đẩy mạnh việc nâng chất hoạt động chuyên môn dạy – học ở mọi lúc, mọi đối tượng HS, tổ chức phụ đạo HS lớp 9 sau xét công nhận TN.THCS có chất lượng, … cần “hạ thấp chỉ tiêu chất lượng bộ môn, trước hết là môn Toán ≥ 60%” thay vì ≥ 85% - cao ngất ngưỡng như hiện nay. Đã vô hình trung biến một ít thầy – cô giáo thành “nhà ảo thuật” bất đắc dĩ. Đáng buồn là họ đã ảo thuật các con điểm, ảo thuật trên “tâm hồn trong sáng” của học trò mình. Bởi, họ đã nhận thức được rằng “họ được cái quyền đó” và dĩ nhiên để dạy HS đạt yêu cầu chất lượng khó khăn hơn nhiều so với dùng chiêu thức “ảo thuật các con điểm”. Trong học đường, không hiếm trường hợp “đánh tráo khái niệm giữa mục tiêu và giải pháp”. Khốn nạn thay, cấp trên đang ủng hộ cung cách làm đó thông qua công tác thi đua – khen thưởng !!!.
          *Hãy nhận thức lại và hành động thiết thực hơn để đoạn tuyệt dần “chủ nghĩa hình thức”, “bệnh thành tích ảo”, “tư tưởng mặc kệ nó”, “thói nín lặng” đến vô cảm đang lây lan như một thứ dịch trong nhà trường ta hiện nay.
Đêm giữa Hạ, 18/5/2012. Tambangden@yahoo.com.vn.

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Cho thầy xin lỗi các em !!!


CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!!
******************
          Năm học 2011-2012 nầy có thể là lần đầu và cũng là lần cuối thầy quyết định không đăng ký thi đua do nhà trường phát động. Bởi hơn ba mươi năm lăm lăn lộn trong học đường, có 23 năm làm cán bộ quản lý, chỉ có 12 năm trực tiếp giảng dạy. Nhưng 12 năm trực tiếp giảng dạy ấy thì có đến 8 năm thầy chưa thực hiện chức năng thiêng liêng do xã hội, nhân dân giao phó – vai trò, trách nhiệm của một thầy giáo chân chính, thầy giáo đúng nghĩa.
          Hơn 23 năm làm cán bộ quản lý trường học. Bao gồm 8 năm làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn dạy – học cấp hai và 15 năm làm hiệu trưởng. Trong suốt thời gian nầy, thầy không làm một việc gì sai trái để lương tâm phải cắn rứt, dày vò, hối tiếc. Chỉ có điều tiếc nuối là chưa thể cống hiến nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương mình với tư cách là một cán bộ quản lý trường học. Bởi sức khỏe đã giảm sút nhanh do chế độ học hành “bán xác” ngày xưa và sự tận tụy, đầu tư tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của nhà trường bây giờ. Cố nhiên, còn có ít nhất một nguyên nhân cơ bản khác, là “không muốn trở thành hình nộm – rô bốt biết nói trước những mưu mô, toan tính của những người có quyền lực hơn”.
          Sở dĩ nói rằng 8 trong 12 năm giảng dạy chưa thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò, trách nhiệm thiêng liêng của một nhà giáo chân chính, đúng nghĩa là vì “áp lực của công tác thi đua”. Chính thi đua đã làm nhụt chí, thui chột phần nào sự đấu tranh “nổi tiếng” là kiên quyết của thầy trước những tình huống trái khoáy, phi giáo dục, vi phạm nhân văn đã xảy ra. Vì các tiêu chí thi đua mà thầy đã “nhắm mắt” tự đánh lừa mình và đánh lừa cả với học sinh thân yêu của mình. Bằng cách cam tâm “thay đổi các con điểm để coi cho được”, để có một tỉ lệ trên trung bình, lên lớp,… có thể chấp nhận được, ít nhất là không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của tổ chuyên, của nhà trường. Còn và còn nhiều việc “trái lòng” nữa. Từ đó, hàng năm đã vô tình hay hữu ý bổ sung một lượng HS ngồi nhầm lớp vào cái đội quân đáng nguyền rủa nầy. Biết rằng đó là “gậy ông đập lưng ông” nhưng không cưỡng lại được. Nó là gánh nặng, là tai ách ngay cho bản thân mình và đồng nghiệp mà không có phương cách nào thông minh để thoái thoát. Vì sự nghiệp trồng người là sự nghiệp trăm năm và mỗi thầy – cô giáo phải lặn ngụp trong cái biển học đường ít nhất đôi ba chục năm !?!?.
          Từ đầu năm học 2011-2012 cứ những tưởng thầy sẽ không vướng víu bởi những vòng vây nghiệt ngã ấy để làm hết vai trò, trách nhiệm và chức năng thiêng liêng của mình. Nào ngờ, đến những “bước đi cuối cùng” trong năm học 2011-2012 nầy, thầy vẫn vấp phải một “viên sỏi nhỏ” chen giữa hai ngón chân làm đau thốn cả tâm can. Đó là phải thực hiện chương trình một cách khiêng cưỡng và ngu dốt. Nghĩa là thay vì phải dạy 3 tiết Hình học và 1 tiết Đại số từ tuần 32 để chia sẻ áp lực học phân môn hình học với quá nhiều kiến thức và kỹ năng quan trong vào những tuần lễ cuối năm. Đàng nầy, phải dạy theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” của các nhà mô phạm mà không biết phấn trắng, bảng đen là gì. Nên đành phải chấp nhận một hiện tượng đau lòng, phi khoa học giáo dục là kể từ tuần 33 học sinh lớp 7, 8 phải học đến 4 tiết Hình học trong tuần. Tuy vậy, vào 2 ngày 30/4, 01/5 tới sẽ phải nghỉ 2 ngày thì không cách chi dạy kịp chương trình để đủ kiến thức – kỹ năng hình học cho các em thi học kỳ II !!!??? (Còn 2 tiết Hình học 8 : Tiết 66 (Luyện tập thể tích hình hộp chữ nhật) , Tiết 67 (Ôn tập Chương IV); tương tự còn 1 tiết Hình học 7 : Tiết 64 (Luyện tập tính chất 3 đường cao của tam giác) phải dạy sau thi học kỳ II). Nếu không làm theo một cách máy móc và vô cảm như thế sẽ bị “chụp mũ” là vi phạm qui chế chuyên môn. Sẽ bị “kiểm tra nội bộ” luôn rình rập để truy cứu trách nhiệm - một tội khá nặng dùng để “triệt hạ đối thủ”. “Trâu già chẳng nệ dao phay”, thầy biết rõ và rất bản lĩnh khi đối mặt với nó. Nhưng chẳng lẽ cuối đời lại có một tì vết nhỏ nhoi ấy làm xấu đi hình ảnh của chính mình khi xa mái trường mà hằng 20 năm gắn bó xây dựng và phát triển.
CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!! về những hành tung ngu xuẩn không đáng có kể trên của thầy. Rõ ràng “mỗi khi nghe chó sủa mà ta dừng bước thì biết bao giờ mới đi hết đoạn đường” (Ngạn ngữ Ấn Độ) vẫn còn nguyên giá trị. Và dù “khi bị sĩ nhục ta tự nâng tâm hồn lên cao mãi cho đến khi sự sĩ nhục không với tới được” đã sớm trở thành phương châm hành động của thầy từ rất lâu. Nhưng “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và nọc độc của chó điên cắn sau lưng thì hậu quả khôn lường.
Đêm mưa đầu mùa, 22/4/2012. Vienphanhong@gmail.com.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Chiếc núm vú giả


CHIẾC NÚM VÚ GIẢ
***************
          Nấm vú da hay núm vú giả, xét về mặt hình tượng thì khác nhau nhưng công dụng thì giống nhau nhiều chỗ. Nấm vú da thường là của bà nội, bà ngoại – một phụ nữ luống tuổi đã “cạn sữa”, chỉ dành cho trẻ bú “đỡ lòng” khi đói bụng vì không có mẹ bên cạnh. Còn núm vú giả dùng để trẻ bú sữa pha sẵn trong bình hoặc đã “nghiện bú” nhưng đang cai sữa. Đứa cháu ngoại của tôi đã bị dứt sữa mẹ từ bốn tháng tuổi. Trước khi ngủ trưa hoặc đêm đều phải cho cháu ngậm núm vú giả. Có thế thì giấc ngủ mới đến sớm hơn và ngon lành hơn. Nhìn cháu ngủ say nhưng trên môi luôn mấp máy, mủm mỉm núm vú giả mà chạnh lòng. Đã nhiều lần bị chế giễu, nhưng mãi đến hơn một năm sau cháu mới xa rời cái núm vú giả ấy.
Hiện nay, trong các đơn vị trường học còn đeo đẳng hoặc bám víu những công việc, những qui cách đã quá ư cũ kỹ, lạc hậu, nhưng chưa có cách nào thay thế đành phải ngậm những “núm vú giả”. Đó là chung quanh việc thiết lập hồ sơ thí vụ của “Kiểm tra chất lượng học kỳ” – nói gọn là Thi học kỳ.
Nhớ lại, từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, dù là một Phó Hiệu trưởng chuyên môn cấp hai hay là Hiệu trưởng của một trường phổ thông cơ sở nhỏ bé ở nông thôn với qui mô không đầy mười lớp bậc trung học cơ sở, nhưng tôi vẫn được ngành đề cử làm Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch Hội đồng coi thi phổ thông cơ sở (PTCS), sau đó là trung học cơ sở (THCS). Đặc biệt, tôi còn được tham gia chấm chọn để công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thuộc các tổ chuyên môn đã đăng ký Tổ lao động xã hội chủ nghĩa.
Đã nhiều năm lăn lộn làm cán bộ lãnh đạo các hội đồng thi cấp quốc gia, tôi cùng với các anh có kinh nghiệm quản lý trường học trong huyện, tỉnh đề xuất cung cách tổ chức kiểm tra chất lượng học kỳ kiểu “tập trung, đồng loạt, nhưng xáo trộn giữa học sinh các lớp cùng khối” như Thi học kỳ hiện nay. Thấy được những mặt tích cực của công tác nầy, lãnh đạo ngành giáo dục An Giang đã nhân rộng ra và phổ quát thành “qui chế”. Qui chế nghiệp vụ coi thi Kiểm tra chất lượng học kỳ được vận dụng từ Qui chế nghiệp vụ coi thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (sau đó là THCS).
Đầu những năm 2000, xã hội đã phê phán và đề nghị đến Chính phủ bỏ kỳ thi Tốt nghiệp trung học có sở. Như vậy, cùng với nó là Qui chế nghiệp vụ coi thi TN.THCS cũng bị khai tử luôn. Ấy vậy mà trong các trường học THCS cũng tồn tại kỳ thi học kỳ và dĩ nhiên cái Qui chế nghiệp vụ coi thi “bất thành văn ấy” cũng ngoắc ngoải gượng sống cho đến hôm nay. Nhưng khổ nỗi những hồ sơ thủ tục rất ư là rườm ra, phiền toái ấy đã gây vướng víu đến khó chịu biết bao người.
Chẳng hạn, vẫn còn giáo viên coi thi (giám thị - GT) 1, 3 (giám thị hành lang), bỏ giám thị 2, giám thị P.Hội đồng (HĐ), thư ký , P.Chủ tịch và Chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) hẳn hoi chứ. GT1 quán xuyến phòng thi, phát đề, theo dõi thời gian, … GT3 quản lý “hành lang” một số phòng thi, mang đề đến tận các phòng thi, phát giấy thi bổ sung, … GTHĐ đi lấy số liệu thí sinh từng buổi thi, môn thi, thu nhận bài thi từng khối lớp, …Thư ký ghi biên bản mở phong bì đựng đề thi, …. Nói chung qui trình khá giống kỳ thi quốc gia – TN.THCS trước đây. Toòng tềnh, nhiêu khê lắm, nhưng ngày càng phát lộ tiêu cực và hiệu quả thấp.
Chưa hết, GT1 phải ký tên trong giấy thi và các giám thị còn phải ký tên trong bảng phân công hàng buổi nữa. Ai quên hoặc thiếu một chữ ký xem như mắc phải tội. Buồn cười hơn là khi ký tên trong Biên bản mở đề thi. Sao ta lại bắt chước một cách máy móc đến khiêng cưỡng và ngu xuẩn vậy. Do không hiểu, không nắm vững cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề. Có khi chứng kiến lại các ấn chỉ, các biểu mẫu do mình tự tạo cách đây hàng chục năm mà muốn dị ứng vì nó tồn tại một cách cường điệu dù đã mất đi vai trò lịch sử.
Không biết đến bao lâu nữa, chúng ta – những nhà mô phạm mới thật sự đoạn tuyệt những trái khoáy như những “núm vú giả” đó. Để học đượng bớt đi những gánh nặng về ngân sách, về công sức và trí tuệ vào những việc chẳng vào đâu ấy.
Đêm đầu Hạ, 18/4/2012. Tambangxanh@gmail.com.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CHIẾC CẦU TRE


CHIẾC CẦU TRE
*************
          Ai trong chúng tôi – những người ngấp nghé tuổi “lục tuần” và sống quanh đi quẩn lại cái xứ đồng bằng sông Cửu Long nầy đều đã ít nhiều được qua chiếc cầu tre.
          Cầu tre là loại cầu thường bắc qua kênh rạch nhỏ chỉ sử dụng vật liệu toàn bằng thân cây tre. Cá biệt cũng có cây cầu bắc qua sông sâu nước chảy xiết, hai bờ khá xa đến 40, 50 mét. Người ta thường sử dụng tre gai – nhánh tre mọc ra từ những đốt có rất nhiều gai nhọn. Loại tre nầy chịu đựng nắng mưa hoặc côn trùng cắn phá.
          Những cây tre to, ngắn người ta sử dụng làm cọc chéo. Loại dài hơn cho chúng gác nằm dài trên các cọc chéo đó để đi lại. Tre nhỏ, thon dài dùng làm tay vịn. Mỗi thứ có một công dụng riêng. Để bắc được một cây cầu tre qua kênh mương hẹp không cần phải quá nhiều người, mất nhiều thời gian. Chỉ cần 5, 3 người và chỉ cần một buổi “đứng” (quá trưa một lát) là có thể cho ra đời một chiếc cầu tre. Cọc chéo, cầu đi và tay vịn là ba bộ phận quan trọng, quan hệ mật thiết với nhau. Thiếu một trong ba thứ đó thì không gọi là cầu tre lắt lẻo được. Nó lắt lẻo nhưng khó đánh rơi, nếu người đi qua chịu khó và chú ý một chút.
          Bây giờ thì trong văn học cũng như thực tiễn cuộc sống rất hiếm tìm thấy chiếc cầu tre như thế. Mà thay bằng những chiếc cầu sắt, cầu bê tông kiên cố và chắc chắn hơn. Nếu không có dịp đi vào các ngõ ngách xa xôi, trong nông thôn sâu chẳng hạn, thì bọn trẻ hiện tại và sau nầy sẽ không hình dung nỗi chiếc cầu tre lắt lẻo là gì !!!
          Nhờ có đong đưa, lắt lẻo của chiếc cầu tre đã tạo niềm cảm hứng cho các thi nhân để sản sinh những bài thơ bất hũ. Cũng vì tính lắt lẻo, đong đưa ấy đã làm niềm khích lệ cho lũ trẻ tắm sông giữa trưa hè thêm hứng khởi, lôi cuốn. Và cũng vì tính đong đưa, lắt lẻo ấy đã thử thách biết bao chàng trai, cô gái và những kẻ sỉn rượu đi qua.
          Riết rồi thành quen, đã có nhiều lần tôi và nhiều người đi qua cầu mà không cần đến tay vịn nữa. Có những chàng thanh niên, tuấn tú, dẻo dai “nhảy nhúng” khi đi qua cầu như những chàng hề trong rạp xiếc. Họ phô diễn tài năng làm cho những người chung quanh phải thán phục. Lúc bấy giờ hình như tay vịn đã trở thành vướng víu, là vật cản, làm ngán đường làm chậm bước đi của họ.
          Trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong các công sở, người ta cũng tạo ra những “tay vịn”. Tay vịn đó là những qui định, những nguyên tắc được hình thành từ những con người cụ thể hoặc là thông minh, đĩnh đạc hoặc là từ những cái đầu không được minh mẫn nhưng có vi, có cánh, bằng nhiều cách có thể để đưa ra những “tay vịn” đó. Việc đưa ra những “tay vịn” – những nguyên tắc, những qui định ban đầu là rất cần thiết, nhằm làm cho hoạt động, cho guồng máy được chuyển động trơn tru, hoạt bát. Nhưng khi những “tay vịn” – những qui định, những nguyên tắc đã cổ lổ, lạc hậu, … đã xiệu xạo, vướng víu, sẽ trở thành là vật cản, ngăn lối chặn đường thì cũng cần thiết dẹp bỏ, để thay thế bằng những “tay vịn”  - những qui định, những nguyên tắc mới, hiện đại, thích hợp hơn.
          Hiện nay, trong các đơn vị trường học đang manh nha quá nhiều những qui định, những nguyên tắc đã lỗi thời, không còn phù hợp với trình độ của người dạy và kẻ học đang tiến bộ không ngừng. Nhưng chẳng có mấy ai đủ trình độ, năng lực và bản lĩnh để thay đổi những qui định, những nguyên tắc quá ư lạc hậu ấy. Đó là thách thức những người quản lý trường học đương chức. Việc làm đó nếu được, nó sẽ là thước đo sự nỗ lực, sự dấn thân, sự bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Bằng không, nếu cố tình kéo dài thời gian đọa đày bởi những qui định, nguyên tắc khốn kiếp ấy sẽ biến họ thành những tội đồ nguy hiểm nhất hành tinh.
          Thay cho lời kết xin mượn câu nói chí tình của W.HAZLITT :  Những qui tắc bất biến và những khuôn mẫu cứng nhắc hủy diệt cả thiên tài và nghệ thuật.
                                 Khuya 10/4/2012, kỷ niệm 8 năm ngày mất của Sư cụ.
                                                                                            Chieccompa@gmail.com.

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Không lẽ đến cuối cuộc đời, thầy vẫn là người đi trước về sau ?


KHÔNG LẼ ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI, THẦY VẪN LÀ NGƯỜI “ĐI TRƯỚC – VỀ SAU” ?
*****************************
          Có hai học trò nữ lớp 8A2 năm học 2010 – 2011 mà tôi yêu quí nhất là Nguyễn Thị Thu Hiệp và Huỳnh Thị Bột. Cả hai em đều chăm ngoan trong học tập và rèn luyện, không có một biểu hiện gì là lười biếng, gian trá dù là một thái độ, cử chỉ hay một hành tung nhỏ nhất. Hai em cùng với tập thể lớp 8A2 đều lên lớp 9A2 năm học nầy.
          Vào những tháng đầu của năm học mới, em Thu Hiệp biểu hiện sự lo toan về tương lai của mình. Khi cha của em thì đau ốm quanh năm không làm việc nặng nên ít được người ta thuê mướn. Còn mẹ thì cũng đã ngoài năm mươi, cái tuổi để làm ra tiền thật chẳng dễ dàng chút nào. Ngoài sớm chiều với việc chằm nón lá kiểu “ăn trước trả sau”, mẹ của em Hiệp không còn thu nhập nào khác. Chị ruột của em, tuổi đã hơn 20 mà gầy gò, yếu ớt, sức khỏe kém chỉ cùng mẹ đeo đẳng với nghề chằm nón lá để có tiền đong gạo qua ngày.
          Có dịp đi viếng gia đình các học sinh khác, tôi ghé vào hỏi thăm và động viên em. Em rơm rớm nước mắt, nói trong nghẹn ngào “em có thể không theo học được nữa, chứ làm sao nghĩ đến việc thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu, thầy ơi !!!”. Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu tọa lạc tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chất lượng giảng dạy rất tốt. Tỉ lệ tuyển sinh vào đại học của trường nầy hằng năm thường rất cao. Tôi đã nhiều lần gợi mở, động viên để các em đặt trọn niềm tin và kỳ vọng thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu.
          Cám cảnh nỗi lo toan, phiền muộn của Thu Hiệp, tôi đã tâm tình cởi mở với cha mẹ em. Và hứa sẽ chu cấp hàng tháng 150.000 đồng để em có tiền đi học mỗi ngày. Em mừng vui ra mặt. Ngấn lệ ứa ra từ hố mắt tuyệt vọng của em bất chợt trào ra thành những giọt ngắn dài. Nụ cười gượng gạo nhoẽn trên môi bởi em không thể giấu đi những giọt nước mắt còn đang dàn dụa trên má. Và từ ấy đến nay, việc học hành của em đã tấn tới. Em vừa đạt giải “C” kỳ thi học sinh giỏi “máy tính bỏ túi cấp tỉnh” (sau khi đạt giải nầy vòng huyện).
          Còn lại Huỳnh Thị Bột – một cán bộ lớp khá mẫn cán. Ngoài việc chăm chỉ học hành, em còn tham gia nhiều phong trào và hoạt động ngoài giờ khác. Em nhanh nhẩu, nhạy bén trong điều hành và quán xuyến lớp học. Dù thể hình của em có hơi thấp, gọn nhưng chứa đựng bên trong một tiềm lực học tập và rèn luyện ít bạn nào trong lớp sánh kịp. Ánh mắt tự tin, rạng ngời, trong sáng đã thố lộ được điều đó.
          Đáng tiếc là thời gian gần đây – những ngày trước Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Những lần học thể dục chéo buổi, gặp tôi, em không còn liến thoắng mà thay vào đó là sự đăm chiêu, phiền muộn thông qua các thao tác có vẻ hơi miễn cưỡng. Em Bột hồn nhiên, nhanh nhẹn, tháo vác ngày nào không còn nữa. Khuôn mặt em luôn đượm buồn và có chút nào đó uể oải.
          Hôm gặp tôi trước trường Mẫu giáo, điểm ấp An Mỹ, khi cả hai cùng đón cháu sắp sửa ra khỏi lớp học. Khi hỏi thăm về tình hình lớp học, em buồn bã than phiền : “Chất lượng học tập của số động bạn đã xuống dốc. Nhiều bạn nữ rủ rê nhau hết dự sinh nhật đứa nầy, lại tổ chức đi chơi chỗ khác. Có khá nhiều bạn mê mải các phong trào ca – múa – nhac – thể dục - thể thao mà việc học chùn xuống. Cô chủ nhiệm và ban cán sự lớp chúng em chưa có biện pháp nào để hạn chế, để vực dậy”.
Còn riêng về em, khi được hỏi đến. Em trả lời trong yếu ớt và hình như ẩn chứa nhiều tâm trạng đan xen nhau. Em bi quan về việc học và tương lai của mình. Em cũng rơm rớm nước mắt, tỏ vẻ bất lực trước hoàn cảnh gia đình. Cha mẹ em còn khá trẻ nhưng tự lập trong một căn nhà mới vừa cất xong, chưa làm cửa nẻo, còn trống toang hoác. Dù lợp tol, lát gạch, nhưng chưa có một vật dụng nào có giá trị ngoài bàn thờ giữa nhà và chiếc giường đơn sơ bên trong căn buồng chưa mắc được màn để ngăn ra gọi là “coi được”. Em còn có đứa em trai mới 3, 4 tuổi. Nó vừa là niềm vui của gia đình vừa là nỗi khổ của em, mỗi khi vô ý làm nó trượt ngã, va vấp. Áp lực của học hành, thi cử - Bột là một trong 5 em trong đội học sinh giỏi môn Vật lý của trường và công việc trông coi em, giúp mẹ công việc gia đình đã làm em chùn xuống. Đó là lý do khiến em nảy ra ý định nghỉ học ở nhà để tiếp giúp gia đình.
Tiếng kẻng tan học đã vang lên. Học sinh mẫu giáo đã tua tủa ra sân, nháo nhác tìm người thân. Cuộc nói chuyện giữa hai thầy trò bị gián đoạn. Trước khi chia tay, tôi còn kịp dặn dò em : “Cố gắng lên, tương lai xán lạn đang chờ em. Chung quanh các em còn có thầy. Nếu do mẹ em ép uổng thì trực tiếp báo cho thầy biết để can ngăn. Vì mẹ em trước đây cũng là học trò ngoan của thầy. Lẽ nào, …”. Lẽ nào, buổi chia tay hôm ấy lại là lần cuối cùng, tôi không gặp lại em đến học tại trường.
Được tin em Bột bỏ học giữa chừng để theo người thân bên ngoại ra Đồng Nai làm thuê cho các công ty, xí nghiệp đang “đói lao động” sau Tết Nhâm Thìn – 2012, tôi có trực tiếp đến nhà em. Qua trao đổi khá thẳng thắn với mẹ em – Hạnh, một học trò xinh xắn và ngoan hiền ngày nào đã không còn quyết đoán “cho con ăn học đến thành tài” như những lời hứa vào đầu năm học lớp 8 vừa qua. Mà hình như, có một sự cam tâm, đồng lõa hoặc thỏa thuận ngầm để cho em Bột đi làm lấy tiền đỡ đần cha mẹ.
Nhớ lại, đầu năm học lớp 8, em Bột cũng đến lớp không thường xuyên. Cũng chính tôi đã tìm gặp gia đình em. Lúc đó, thái độ của Hạnh – mẹ em Bột khá là kiên quyết khi nghe qua lời giải bày của tôi. Và kết quả là em Bột đã học xuyên suốt với thành tích cuối năm khá cao – học sinh Giỏi và hạng nhất của lớp.
Không thể chấp nhận trường hợp trái khoáy và chút nào là đau lòng đến như vậy, tôi tìm cách tiếp cận với những bà con hàng xóm chung quanh nhà em Bột và Ban ấp Bình Thạnh II. Thì ra, chung quanh việc em Bột bỏ học đi làm thuê ở miền ngoài có nhiều điều ẩn khuất, đáng được lưu tâm. Nhưng có thể người đau xót và dày vò nhất là tôi. Bởi hai đứa học trò “cưng” có hoàn cảnh tương tự nhau, nhưng có đứa lại được tôi chu cấp tiền hằng ngày để đến trường, vào lớp học. Có em thì chẳng được đoái hoài chút nào, cho dù tôi đã nghe những lời than vản chí tình. Có thể tôi đã đánh giá chưa đúng mực sự tương đồng giữa chúng. Bởi em Hiệp là con thứ trong gia đình nghèo hơn, cả cha và mẹ hơi luống tuổi, sức khỏe kém, thu nhập thấp, nhưng Hiệp thì ít lo toan. Ngược lại, Bột là con cả của đôi vợ chồng trẻ, dù nghèo nhưng còn sức lao động để mà bươn chải. Có điều, Bột thì chất chứa bao nỗi niềm, chịu nhiều áp lực. Và vẫn còn một nguyên nhân chủ quan của tôi là bệnh đãng trí, quên nhớ thất thường. Nhưng lại quên bẳng đi những gì đáng ra phải nhớ để mà xử lý cạn cùng.
Thôi, âu cũng là việc đã rồi. Có nuối tiếc cũng không cưỡng lại thực tại. Chỉ buồn là “không lẽ đến cuối cuộc đời, thầy vẫn là người đến trước về sau” ???.

                   Đêm đầu Xuân, 08/02/2012. Vienphanhong@gmail.com


Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Tiếng trống trường


TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG.
**************
          Chắc chắn mỗi chúng ta đều không lạ lẫm gì về tiếng trống trường. Có khi tiếng trống trường đã hòa vào nhịp đập của trái tim ta, mỗi khi chúng ta nhớ về mái trường xưa – nơi mà chúng ta đặt bước chân đầu đời vào  để “học hỏi và tập tành những con chữ A, B, vở lòng”.
          Tiếng trống trường vang lên để thúc giục học sinh khẩn trương đến trường, vào lớp ngồi chờ giáo viên đến giảng dạy. Đồng thời với đó là đội ngủ cán bộ, nhân viên cũng tất bật ổn định nhanh nơi khu vực hành chánh của mình để mà quản lý, phục vụ.
          Ngày nay, khi mà mỗi học sinh, mỗi thầy cô giáo đều đã trang bị đồng hồ (riêng biệt hay tích ứng vào các điện thoại di động), và mỗi người đều có sẵn lập trình giờ giấc. Nên họ đến trường lúc nào, ra về ra sao thì hình như tự họ định đoạt. Tiếng trống trường chỉ còn là hiệu lệnh mang tính thông báo thời điểm khởi đầu và kết thúc một tiết dạy – học. Bởi các thành viên Ban Giám hiệu và nhân viên nhà trường đã qui ước – thỏa thuận ngầm với nhau là họ chỉ đến trường từ 7 giờ 30 sáng và 13 giờ 30 chiều. Đến trường từ giờ phút ấy, đồng nghĩa với việc đừng ai xử lý hoặc suy bì khi họ không đến trước giờ khắc thiêng liêng đó. Còn họ có vào ngay công việc mà họ phụ trách hay không lại là chuyện khác. Vì trong trường đã có Căn tin phục vụ thức ăn, nước uống. Trong phòng làm việc có cài đặt sẵn game, internet mà. Chưa kể, “giờ tan sở” của họ thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chỉ có trời mới quản lý, mới biết họ ra về từ lúc nào. Có thể, sau năm 2000, số lượng người ở văn phòng trường khá nhiều : 03 thành viên Ban Giám hiệu, 1 kế toán, 1 thủ quĩ, 1 giáo vụ (có cả cán bộ thiết bị, Thư viện, nhân viên bảo vệ, tạp vụ nữa). Nhưng có nhiều buổi trong gờ hành chánh, văn phòng vắng ngắt đến lạ thường ?!?!?! cho dù đèn vẫn bật sáng choang và các chiếc quạt vẫn thản nhiên chạy soành soạch. Vì thế, đang dấy lên phong trào “khoái làm Ban Giám hiệu hoặc nhân viên hơn giáo viên dạy lớp”.
          Nhà trường qui định học sinh đến lớp trước 6 giờ 30 sáng và 12 giờ 30 trưa để truy bài đầu buổi. Và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có tiết đầu phải vào lớp từ lúc ấy để ổn định, nắm tình hình và theo dõi sĩ số từng buổi của học sinh. Nhưng đâu phải buổi nào GVCN cũng có tiết dạy. Lúc bấy giờ ai quản lý học sinh ? Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn à . Cả hai ông nầy cũng có những cảnh tình riêng, đâu khác gì những GVCN. Nên hiện tượng gây gổ, hỗn loạn ở một số ít trước hành lang, trong phòng học là không thể tránh được. Và bệnh gây rối, mất trật tự là một thứ “dịch học đường”, nó dễ dàng lây lan các lớp bên cạnh.
Mấy năm gần đây, tiếng trống trường sao mà nó giống với “tiếng kẻng trong các hợp tác xã nông nghiệp” thời bao cấp quá. Bởi, khi nghe tiếng trống thì hình như nhiều GVBM không còn lòng dạ nào mà giảng dạy thêm một điều gì nữa, cho dù những điều đó là rất cần thiết cho học sinh. Ngay cả tiết thao giảng, minh họa cũng thế. Đã tổ chức thành một tiết dạy – học riêng, có mục đích và ý tưởng riêng, nhưng mỗi khi tiếng trống trường vang lên thì thầy – trò và ngay cả người dự chẳng tha thiết đến điều gì nữa ngoài việc thu xếp nhanh chóng để giải thoát ra khỏi tiết dạy – học.
Riết rồi thành quen, người đánh trống được mặc định như là người “giữ nhịp cho việc thực hiện phân phối chương trình bộ môn”. Có người mong ngóng được nghe tiếng trống, vì nếu trễ hơn sẽ vô tình hay cố ý kéo dài thêm sự tù túng, đọa đày giữa thầy và trò trong những tiết dạy – học “ vô hồn”. Có kẻ lại lo sợ tiếng trống đến sớm hơn sẽ làm tan vở, gãy đổ những mong muốn, những khát khao, những ước vọng lẽ ra phải được thầy cô giáo rót hết vào tai, vào đầu óc hồn nhiên, trong sáng của học sinh thân yêu qua những tiết dạy – học rất “tình người”. Đôi lúc họ nghĩ, tiếng trống trường vô tình là một áp lực, một nỗi ám ảnh, là một trở lực cản ngăn “việc tìm đến nhau” giữa người đi trước và kẻ đi sau.
Xin ai đó, hãy cảm nhận được tâm trạng của nhiều thầy cô trên bục giảng hiện nay, khi mà họ đã phải cam chịu quá nhiều áp lực.  Để âm thinh tiếng trống trường đồng thuận, hòa quyện vào nhịp đập của những con tim luôn thiết tha về một ngôi trường chứa chan tin yêu và tình cảm. Để tiếng trống trường không còn lạc điệu, vô cảm như thời gian qua nữa.
                               Đêm đầu Xuân, 12/01/2012. Tambangxanh@gmail.com

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

BẢN LĨNH NGƯỜI HIỆU TRƯỞNG


ĐOÀN TÀU KÉO NHỮNG  CHIẾC XUỒNG CÂU LƯỚI TRONG MÙA LŨ.
*********************
Cứ mỗi độ gió thu heo hắt thổi về là khi mà các cánh đồng đã loáng loáng nước lũ. Có những chiếc xuồng câu, lưới, lờ, lợp nối đuôi nhau kết thành chuổi dài ngoằn ngoèo bởi một chiếc tàu có mã lực lớn kéo về phía trước. Lộ trình của họ khá dài – có thể ngót nghét 100 cây số và khá lâu – một hai ngày đường. Họ khởi hành từ hạ nguồn của sông Hậu : Định Yên, Định An - Lấp Vò, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh – Long Xuyên đi tới tận miệt đồng sâu, giáp ranh giới Việt Nam – Campuchia rất nhiều tôm cá.
Chúng tôi không có ý định cũng như tham vọng phân tích về những cảnh tình, việc thu hoạch cá tôm của họ. Mà chỉ nêu lên mấy cảm nhận mang tính hình tượng về chung quanh chuyến đi của họ mà thôi. Để có sự liên tưởng, so sánh những điều bức xúc đang diễn ra tại trường THCS vùng nông thôn sâu mà gần thành thị như trường ta chẳng hạn.
Trở lại hình ảnh của đoàn tàu kéo những chiếc xuồng “ba lá” , có trang bị “tấm cà rèm” để che mưa tránh nắng. Mỗi xuồng thường là một đàn ông tuổi thanh hoặc trung niên – đó là những lao động khi nông nhàn. Cá biệt cũng có người mang theo cả vợ và con nhỏ để giảm bới sự quạnh hiu và đỡ đần khi cần tới. Có thể họ là những cặp vợ chồng trẻ hơi khó xa nhau nhiều ngày đêm trong những cánh đồng không mông quạnh.
Do quãng đường quá xa, thời gian đi khá lâu nên hầu hết những chiếc xuồng nầy đều mắc sẵn những “bánh lái” cố định. Rồi mặc tình cho sự điều hành của chủ tàu kéo đằng trước, họ tụm ba, tụm bốn vào các chiếc xuồng có kích cở lớn hơn để mà tán gẫu, uống trà, lai rai vài ly rượu đế, đàn ca – xướng hát, đánh cờ, chơi bài, ngâm nga vài câu thơ, câu giảng, …hoặc thả hồn vào mộng.
Chiếc tàu cứ hướng về đích mà chạy, dòng xuồng cứ nối đuôi nhau lượn lờ, uốn quanh qua những con sông, con rạch. Chủ tàu đã yên phận vì đã thu trước khoản tiền công kéo theo hợp đồng. Trên đường đi, nếu có ai đó bám víu vào thì xuồng nào cho vịn sẽ thay mặt chủ tàu nhận tiền công theo thỏa thuận và qui ước ban đầu. Lâu ngày thành lệ, quen dần. Vì thế, họ chẳng mải mai quan tâm đến “nội tình” và sự va quẹt nếu có giữa những chiếc xuồng với những vật chướng ngại trên dòng sông.
Còn những “ngư phủ bất đắc dĩ” đang nheo nhúc đằng sau chẳng buồn suy nghĩ gì về “sự tồn vong” của chiếc xuồng yêu quí. Họ đinh ninh rằng những sợ dây thừng nối kết họ với tàu kéo là không thể đứt phăng ra được.
………………….
Hình ảnh chiếc tàu kéo và những chiếc xuồng câu, lưới vừa nêu ở trên sao lại khá giống với công tác quản lý, điều hành nhà trường ta hiện nay. Giữa người quản lý và lực lượng bị quản lý chỉ liên kết nhau mỗi một sợi dây thừng mỏng manh. Đó là đồng lương và các báo cáo. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ vì sợ mất đồng lương hàng tháng mà họ cố gắng bám víu với ngành, với trường. Vì thế có một bộ phận thầy, cô giáo đứng lớp một cách khá miễn cưỡng với những trang giáo án “khô cứng”, những tiết dạy “vô hồn”, hoạt động chủ nhiệm thì “thiếu lửa”. Một vài thành viên Ban Giám hiệu, nhân viên phục vụ thì uể oải, cắt xén giờ giấc hành chánh để lo toan cho việc riêng, tìm mọi cách để tăng thu nhập. Họ làm việc thiếu gương mẫu, thiếu đầu tư để cải tiến phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với cơ chế “đương đại” – Ban Giám hiệu không đứng lớp, thiếu kiểm tra thường xuyên, quanh quẩn với những con số, những cứ liệu thông qua các thống kê báo cáo từ cấp dưới lên, nên bệnh quan liêu, xa rời thực tế ngày một lớn dần, đã làm chai sạn đầu óc quản lý điều hành và tạo khoảng cách khá xa giữa Ban Giám hiệu và giáo viên, nhân viên.
Cũng là đoàn tàu – tàu hỏa chẳng hạn. Các toa liên kết nhau rất gần gũi, chặt chẽ, khăng khít và chắc chắn. Một nhân viên kiểm soát vé có thể đi từ đầu tàu đến các toa cuối một cách liên thông để dõi theo và xử lý kịp thời những di biến động nếu có xảy ra.
Cung cách quản lý điều hành nhà trường nên mang hình dáng “Đoàn tàu hỏa” hơn là “Đoàn tàu kéo những chiếc xuồng câu lưới” !!!
Đêm cuối Đông, 12/01/2012. Chieccompa@gmai.com.