Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

BẢN LĨNH NGƯỜI HIỆU TRƯỞNG


ĐOÀN TÀU KÉO NHỮNG  CHIẾC XUỒNG CÂU LƯỚI TRONG MÙA LŨ.
*********************
Cứ mỗi độ gió thu heo hắt thổi về là khi mà các cánh đồng đã loáng loáng nước lũ. Có những chiếc xuồng câu, lưới, lờ, lợp nối đuôi nhau kết thành chuổi dài ngoằn ngoèo bởi một chiếc tàu có mã lực lớn kéo về phía trước. Lộ trình của họ khá dài – có thể ngót nghét 100 cây số và khá lâu – một hai ngày đường. Họ khởi hành từ hạ nguồn của sông Hậu : Định Yên, Định An - Lấp Vò, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh – Long Xuyên đi tới tận miệt đồng sâu, giáp ranh giới Việt Nam – Campuchia rất nhiều tôm cá.
Chúng tôi không có ý định cũng như tham vọng phân tích về những cảnh tình, việc thu hoạch cá tôm của họ. Mà chỉ nêu lên mấy cảm nhận mang tính hình tượng về chung quanh chuyến đi của họ mà thôi. Để có sự liên tưởng, so sánh những điều bức xúc đang diễn ra tại trường THCS vùng nông thôn sâu mà gần thành thị như trường ta chẳng hạn.
Trở lại hình ảnh của đoàn tàu kéo những chiếc xuồng “ba lá” , có trang bị “tấm cà rèm” để che mưa tránh nắng. Mỗi xuồng thường là một đàn ông tuổi thanh hoặc trung niên – đó là những lao động khi nông nhàn. Cá biệt cũng có người mang theo cả vợ và con nhỏ để giảm bới sự quạnh hiu và đỡ đần khi cần tới. Có thể họ là những cặp vợ chồng trẻ hơi khó xa nhau nhiều ngày đêm trong những cánh đồng không mông quạnh.
Do quãng đường quá xa, thời gian đi khá lâu nên hầu hết những chiếc xuồng nầy đều mắc sẵn những “bánh lái” cố định. Rồi mặc tình cho sự điều hành của chủ tàu kéo đằng trước, họ tụm ba, tụm bốn vào các chiếc xuồng có kích cở lớn hơn để mà tán gẫu, uống trà, lai rai vài ly rượu đế, đàn ca – xướng hát, đánh cờ, chơi bài, ngâm nga vài câu thơ, câu giảng, …hoặc thả hồn vào mộng.
Chiếc tàu cứ hướng về đích mà chạy, dòng xuồng cứ nối đuôi nhau lượn lờ, uốn quanh qua những con sông, con rạch. Chủ tàu đã yên phận vì đã thu trước khoản tiền công kéo theo hợp đồng. Trên đường đi, nếu có ai đó bám víu vào thì xuồng nào cho vịn sẽ thay mặt chủ tàu nhận tiền công theo thỏa thuận và qui ước ban đầu. Lâu ngày thành lệ, quen dần. Vì thế, họ chẳng mải mai quan tâm đến “nội tình” và sự va quẹt nếu có giữa những chiếc xuồng với những vật chướng ngại trên dòng sông.
Còn những “ngư phủ bất đắc dĩ” đang nheo nhúc đằng sau chẳng buồn suy nghĩ gì về “sự tồn vong” của chiếc xuồng yêu quí. Họ đinh ninh rằng những sợ dây thừng nối kết họ với tàu kéo là không thể đứt phăng ra được.
………………….
Hình ảnh chiếc tàu kéo và những chiếc xuồng câu, lưới vừa nêu ở trên sao lại khá giống với công tác quản lý, điều hành nhà trường ta hiện nay. Giữa người quản lý và lực lượng bị quản lý chỉ liên kết nhau mỗi một sợi dây thừng mỏng manh. Đó là đồng lương và các báo cáo. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ vì sợ mất đồng lương hàng tháng mà họ cố gắng bám víu với ngành, với trường. Vì thế có một bộ phận thầy, cô giáo đứng lớp một cách khá miễn cưỡng với những trang giáo án “khô cứng”, những tiết dạy “vô hồn”, hoạt động chủ nhiệm thì “thiếu lửa”. Một vài thành viên Ban Giám hiệu, nhân viên phục vụ thì uể oải, cắt xén giờ giấc hành chánh để lo toan cho việc riêng, tìm mọi cách để tăng thu nhập. Họ làm việc thiếu gương mẫu, thiếu đầu tư để cải tiến phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với cơ chế “đương đại” – Ban Giám hiệu không đứng lớp, thiếu kiểm tra thường xuyên, quanh quẩn với những con số, những cứ liệu thông qua các thống kê báo cáo từ cấp dưới lên, nên bệnh quan liêu, xa rời thực tế ngày một lớn dần, đã làm chai sạn đầu óc quản lý điều hành và tạo khoảng cách khá xa giữa Ban Giám hiệu và giáo viên, nhân viên.
Cũng là đoàn tàu – tàu hỏa chẳng hạn. Các toa liên kết nhau rất gần gũi, chặt chẽ, khăng khít và chắc chắn. Một nhân viên kiểm soát vé có thể đi từ đầu tàu đến các toa cuối một cách liên thông để dõi theo và xử lý kịp thời những di biến động nếu có xảy ra.
Cung cách quản lý điều hành nhà trường nên mang hình dáng “Đoàn tàu hỏa” hơn là “Đoàn tàu kéo những chiếc xuồng câu lưới” !!!
Đêm cuối Đông, 12/01/2012. Chieccompa@gmai.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét