Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Không lẽ đến cuối cuộc đời, thầy vẫn là người đi trước về sau ?


KHÔNG LẼ ĐẾN CUỐI CUỘC ĐỜI, THẦY VẪN LÀ NGƯỜI “ĐI TRƯỚC – VỀ SAU” ?
*****************************
          Có hai học trò nữ lớp 8A2 năm học 2010 – 2011 mà tôi yêu quí nhất là Nguyễn Thị Thu Hiệp và Huỳnh Thị Bột. Cả hai em đều chăm ngoan trong học tập và rèn luyện, không có một biểu hiện gì là lười biếng, gian trá dù là một thái độ, cử chỉ hay một hành tung nhỏ nhất. Hai em cùng với tập thể lớp 8A2 đều lên lớp 9A2 năm học nầy.
          Vào những tháng đầu của năm học mới, em Thu Hiệp biểu hiện sự lo toan về tương lai của mình. Khi cha của em thì đau ốm quanh năm không làm việc nặng nên ít được người ta thuê mướn. Còn mẹ thì cũng đã ngoài năm mươi, cái tuổi để làm ra tiền thật chẳng dễ dàng chút nào. Ngoài sớm chiều với việc chằm nón lá kiểu “ăn trước trả sau”, mẹ của em Hiệp không còn thu nhập nào khác. Chị ruột của em, tuổi đã hơn 20 mà gầy gò, yếu ớt, sức khỏe kém chỉ cùng mẹ đeo đẳng với nghề chằm nón lá để có tiền đong gạo qua ngày.
          Có dịp đi viếng gia đình các học sinh khác, tôi ghé vào hỏi thăm và động viên em. Em rơm rớm nước mắt, nói trong nghẹn ngào “em có thể không theo học được nữa, chứ làm sao nghĩ đến việc thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu, thầy ơi !!!”. Trường chuyên Thoại Ngọc Hầu tọa lạc tại Thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, chất lượng giảng dạy rất tốt. Tỉ lệ tuyển sinh vào đại học của trường nầy hằng năm thường rất cao. Tôi đã nhiều lần gợi mở, động viên để các em đặt trọn niềm tin và kỳ vọng thi tuyển vào trường Thoại Ngọc Hầu.
          Cám cảnh nỗi lo toan, phiền muộn của Thu Hiệp, tôi đã tâm tình cởi mở với cha mẹ em. Và hứa sẽ chu cấp hàng tháng 150.000 đồng để em có tiền đi học mỗi ngày. Em mừng vui ra mặt. Ngấn lệ ứa ra từ hố mắt tuyệt vọng của em bất chợt trào ra thành những giọt ngắn dài. Nụ cười gượng gạo nhoẽn trên môi bởi em không thể giấu đi những giọt nước mắt còn đang dàn dụa trên má. Và từ ấy đến nay, việc học hành của em đã tấn tới. Em vừa đạt giải “C” kỳ thi học sinh giỏi “máy tính bỏ túi cấp tỉnh” (sau khi đạt giải nầy vòng huyện).
          Còn lại Huỳnh Thị Bột – một cán bộ lớp khá mẫn cán. Ngoài việc chăm chỉ học hành, em còn tham gia nhiều phong trào và hoạt động ngoài giờ khác. Em nhanh nhẩu, nhạy bén trong điều hành và quán xuyến lớp học. Dù thể hình của em có hơi thấp, gọn nhưng chứa đựng bên trong một tiềm lực học tập và rèn luyện ít bạn nào trong lớp sánh kịp. Ánh mắt tự tin, rạng ngời, trong sáng đã thố lộ được điều đó.
          Đáng tiếc là thời gian gần đây – những ngày trước Tết nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Những lần học thể dục chéo buổi, gặp tôi, em không còn liến thoắng mà thay vào đó là sự đăm chiêu, phiền muộn thông qua các thao tác có vẻ hơi miễn cưỡng. Em Bột hồn nhiên, nhanh nhẹn, tháo vác ngày nào không còn nữa. Khuôn mặt em luôn đượm buồn và có chút nào đó uể oải.
          Hôm gặp tôi trước trường Mẫu giáo, điểm ấp An Mỹ, khi cả hai cùng đón cháu sắp sửa ra khỏi lớp học. Khi hỏi thăm về tình hình lớp học, em buồn bã than phiền : “Chất lượng học tập của số động bạn đã xuống dốc. Nhiều bạn nữ rủ rê nhau hết dự sinh nhật đứa nầy, lại tổ chức đi chơi chỗ khác. Có khá nhiều bạn mê mải các phong trào ca – múa – nhac – thể dục - thể thao mà việc học chùn xuống. Cô chủ nhiệm và ban cán sự lớp chúng em chưa có biện pháp nào để hạn chế, để vực dậy”.
Còn riêng về em, khi được hỏi đến. Em trả lời trong yếu ớt và hình như ẩn chứa nhiều tâm trạng đan xen nhau. Em bi quan về việc học và tương lai của mình. Em cũng rơm rớm nước mắt, tỏ vẻ bất lực trước hoàn cảnh gia đình. Cha mẹ em còn khá trẻ nhưng tự lập trong một căn nhà mới vừa cất xong, chưa làm cửa nẻo, còn trống toang hoác. Dù lợp tol, lát gạch, nhưng chưa có một vật dụng nào có giá trị ngoài bàn thờ giữa nhà và chiếc giường đơn sơ bên trong căn buồng chưa mắc được màn để ngăn ra gọi là “coi được”. Em còn có đứa em trai mới 3, 4 tuổi. Nó vừa là niềm vui của gia đình vừa là nỗi khổ của em, mỗi khi vô ý làm nó trượt ngã, va vấp. Áp lực của học hành, thi cử - Bột là một trong 5 em trong đội học sinh giỏi môn Vật lý của trường và công việc trông coi em, giúp mẹ công việc gia đình đã làm em chùn xuống. Đó là lý do khiến em nảy ra ý định nghỉ học ở nhà để tiếp giúp gia đình.
Tiếng kẻng tan học đã vang lên. Học sinh mẫu giáo đã tua tủa ra sân, nháo nhác tìm người thân. Cuộc nói chuyện giữa hai thầy trò bị gián đoạn. Trước khi chia tay, tôi còn kịp dặn dò em : “Cố gắng lên, tương lai xán lạn đang chờ em. Chung quanh các em còn có thầy. Nếu do mẹ em ép uổng thì trực tiếp báo cho thầy biết để can ngăn. Vì mẹ em trước đây cũng là học trò ngoan của thầy. Lẽ nào, …”. Lẽ nào, buổi chia tay hôm ấy lại là lần cuối cùng, tôi không gặp lại em đến học tại trường.
Được tin em Bột bỏ học giữa chừng để theo người thân bên ngoại ra Đồng Nai làm thuê cho các công ty, xí nghiệp đang “đói lao động” sau Tết Nhâm Thìn – 2012, tôi có trực tiếp đến nhà em. Qua trao đổi khá thẳng thắn với mẹ em – Hạnh, một học trò xinh xắn và ngoan hiền ngày nào đã không còn quyết đoán “cho con ăn học đến thành tài” như những lời hứa vào đầu năm học lớp 8 vừa qua. Mà hình như, có một sự cam tâm, đồng lõa hoặc thỏa thuận ngầm để cho em Bột đi làm lấy tiền đỡ đần cha mẹ.
Nhớ lại, đầu năm học lớp 8, em Bột cũng đến lớp không thường xuyên. Cũng chính tôi đã tìm gặp gia đình em. Lúc đó, thái độ của Hạnh – mẹ em Bột khá là kiên quyết khi nghe qua lời giải bày của tôi. Và kết quả là em Bột đã học xuyên suốt với thành tích cuối năm khá cao – học sinh Giỏi và hạng nhất của lớp.
Không thể chấp nhận trường hợp trái khoáy và chút nào là đau lòng đến như vậy, tôi tìm cách tiếp cận với những bà con hàng xóm chung quanh nhà em Bột và Ban ấp Bình Thạnh II. Thì ra, chung quanh việc em Bột bỏ học đi làm thuê ở miền ngoài có nhiều điều ẩn khuất, đáng được lưu tâm. Nhưng có thể người đau xót và dày vò nhất là tôi. Bởi hai đứa học trò “cưng” có hoàn cảnh tương tự nhau, nhưng có đứa lại được tôi chu cấp tiền hằng ngày để đến trường, vào lớp học. Có em thì chẳng được đoái hoài chút nào, cho dù tôi đã nghe những lời than vản chí tình. Có thể tôi đã đánh giá chưa đúng mực sự tương đồng giữa chúng. Bởi em Hiệp là con thứ trong gia đình nghèo hơn, cả cha và mẹ hơi luống tuổi, sức khỏe kém, thu nhập thấp, nhưng Hiệp thì ít lo toan. Ngược lại, Bột là con cả của đôi vợ chồng trẻ, dù nghèo nhưng còn sức lao động để mà bươn chải. Có điều, Bột thì chất chứa bao nỗi niềm, chịu nhiều áp lực. Và vẫn còn một nguyên nhân chủ quan của tôi là bệnh đãng trí, quên nhớ thất thường. Nhưng lại quên bẳng đi những gì đáng ra phải nhớ để mà xử lý cạn cùng.
Thôi, âu cũng là việc đã rồi. Có nuối tiếc cũng không cưỡng lại thực tại. Chỉ buồn là “không lẽ đến cuối cuộc đời, thầy vẫn là người đến trước về sau” ???.

                   Đêm đầu Xuân, 08/02/2012. Vienphanhong@gmail.com