Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012


LẠM BÀN VỀ CÁI GỌI LÀ “QUI CHẾ CHUYÊN MÔN”.
************************************
          Hiện nay, tại các đơn vị trường học, người ta hay bắt bẻ nhau về vi phạm cái gọi là “qui chế chuyên môn”. Thực hư về vấn đề nầy, xin lạm bàn mấy ý kiến sau:
          Theo thiển ý của tôi, qui chế chuyên môn dạy học (gọi tắt là qui chế) là những qui định, những nguyên tắc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác dạy – học của các cấp có thẩm quyền trong ngành giáo dục. Cụ thể là từ Điều lệ trường trung học, các Chỉ thị, các Thông tư, những Quyết định, … của Bộ Giáo dục & Đào tạo cho đến Nhiệm vụ năm học của các Phòng chức năng của Sở, Tổ nghiệp vụ của Phòng GD&ĐT và Hiệu trưởng các trường học. Những qui định, những nguyên tắc nầy đều được các thủ trưởng đơn vị chủ quản ký tên, đóng dấu.
          Nhưng cũng có những qui định, những nguyên tắc của các vị thừa hành “tự tạo ra” theo cảm nghĩ chủ quan của mình nhằm đạt được những mục đích nhất định. Có thể là những “chỉ đạo miệng”, những “khẩu lệnh quản lý”, … của các Trưởng phòng chức năng Sở GD&ĐT, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ, Chủ tịch Hội đồng bộ môn (HĐBM), chuyên viên Sở - Phòng – Trường tiêu biểu dự các lớp tập huấn từ trên về triển khai lại rồi “luôn miệng gợi ý”, các thanh tra viên kiêm nhiệm đưa ra những nhận xét chủ quan khi dự giờ thăm lớp.
          Ban đầu những qui định “truyền khẩu” ấy chỉ thực hiện ở một nhóm trường học. Thấy được, các cấp thẩm quyền mới phổ quát rộng rãi ra nhiều đơn vị. Dần dà trở thành quán tính, thành thói quen và những qui định “bất thành văn” ấy lại được các vị quản lý trường học khai thác triệt để hòng sớm trở thành là “bảo bối”, là “cánh tay thép”, … có cớ mà thị uy cấp dưới, để chứng tỏ mình là cán bộ quản lý trường học mẫn cán. Từ đó mà “mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chẳng có ông P.Hiệu trưởng chuyên môn nào giống ông nào về cung cách quản lý. Mỗi ông là một “họa sĩ” dù chẳng biết chút gì là mỹ thuật. Từ mới nẩy sinh hiện tượng:
          +Có trường yêu cầu giáo viên bộ môn (GVBM) phải lên Lịch báo giảng, có trường thì không. Có trường yêu cầu GVBM phải mang theo những “bảng phụ” khi lên lớp, vì đây là một đồ dùng dạy học (ĐDDH) chuyên dụng – đặc trưng cho phương pháp giảng dạy mới, không sử dụng, dù tiết dạy có hay đến mấy cũng chỉ xếp loại khá !!!!;
          +Có trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm (GVCN) phải ghi toàn bộ nhận xét ở trang cuối của Sổ GTGĐ dù đây là trách nhiệm của Hiệu trưởng theo qui định của ngành;
          + . . .
          +Việc “ký duyệt hồ sơ sổ sách (HSSS) và giáo án” hàng tháng của Tổ trưởng với nhiều GVBM có tay nghề cao, có thâm niên nghề nghiệp, đã mang nhiều tính hình thức, khuôn sáo và lố bịch. Cần thay đổi cách làm nầy để giảm bớt sự “cào bằng”, “đánh đồng”, … có khi hơi tàn nhẫn giữa những kẻ mà “tuổi nghề của người nầy còn nhiều hơn cả tuổi đời của người kia”. Bởi mục đích sử dụng giáo án, đối với người nầy là “để dạy” còn với kẻ kia là “để ký”.
          Thực tế đã chứng minh, cho dù là nguyên tắc, những qui định mang tính pháp lý cao độ như những văn bản pháp qui kể trên cũng sẽ phải thay đổi, điều chỉnh, … hoặc hủy bỏ theo thời gian, một khi nó đã lạc hậu với hiện tại, nó đã kềm hãm hoặc trở thành vật cản cho quá trình hoạt động. Huống hồ nó là những qui định “bất thành văn”, những khẩu lệnh, những chỉ đạo miệng vô tội vạ.
          Làm ơn cởi trói cho chúng tôi, tạo điều kiện cho chúng tôi thoải mái hơn, thông thoáng hơn và tự do hơn để tập trung đầu tư nhiều cho tiết dạy, cho nội dung bài giảng, cho những đổi mới phương pháp truyền thụ, … nhằm góp phần đào tạo những con người có kiến thức sâu rộng, có tư duy sáng tạo, thông minh đĩnh đạc, có hạnh kiểm – đạo đức – tác phong - nhân cách toàn diện, trong khi còn quá nhiều áp lực khác ngoài xã hội đang đè nặng lên đôi vai thon nhỏ của mình. Có như vậy, mới giảm dần hệ lụy của vấn nạn “học sinh yếu kém năng lực học tập và hành vi rèn luyện hạnh kiểm, đạo đức” đang tồn tại khá nặng nề hiện nay tại trường ta.

ĐỨA HỌC TRÒ NGHÈO ĐÃ THI ĐẬU VÀO HAI TRƯỜNG ĐẠI HỌC.
********************
          Alô. “Con đậu vào hai trường đại học rồi thầy ơi. Con mừng quá, dạo nầy thầy có khỏe không? Trước khi nhập học, con sẽ rũ tụi bạn ngày xưa – lớp 8A2 đến thăm và báo công với thầy. …”. Đó là tiếng nói trong trẻo trộn lẫn niềm vui rộn rả của một đứa học trò cũ từ đầu bên kia của điện thoại di động.
          Tôi đặt máy xuống, trầm ngâm giây lâu để hình dung lại dáng vẻ của đứa học trò cũ. Ừ thì ra, đó là giọng nói của em Phan Thị Mỹ Tú. Em vừa hân hoan báo kết quả thi tuyển sinh vào đại học niên khóa 2012 – 2013. Không biết bây giờ thì sao, chứ trước đây 4 năm, em là một nữ sinh khá mảnh khảnh và nhút nhát. Nhà em nghèo lắm, cha em tên Phan Văn Trí, 45 tuổi và mẹ là Huỳnh Thị Tố Nguyên, 44 tuổi. Dù nghề nghiệp chính là làm ruộng, nhưng gia đình chỉ có một mảnh đất nhỏ của cha vợ cho đủ để cất một căn nhà tránh nắng, che mưa, ở nửa cuối rạch Lâm Vồ, ấp Bình Thạnh II, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
          Có thể nói, thời gian Mỹ Tú cùng cha, mẹ náo nương căn nhà trên chỉ bằng một phần ba thời gian gia đình xa cách nhau. Bởi khi em bước chân vào lớp 6 cũng là lúc cha, mẹ em phải tần tảo mưu sinh nơi đất lạ quê người tới tận thành phố Hồ Chí Minh với bao nhiêu là công việc. Em phải sống đùm đậu với ông, bà ngoại nhà sát bên để được chăm sóc, dưỡng nuôi.
          Sau khi học hết lớp 9 tại trường THCS Hòa An, em đã trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT Hòa Bình với số điểm khá cao. Rồi từ đó em mãi mê với việc học hành dù chung quanh chẳng có cha, mẹ, anh chị nào giúp đỡ. Bởi em là con một trong gia đình.
          Cuối năm học lớp 12, em thi tuyển vào đại học, kết quả ở khối A1 đạt 16 điểm và khối D được 20 điểm. Do vậy, em đồng thời đậu vào trường đại học An Giang ngành Kinh tế quốc tế và trường đại học mở thành phố Hồ Chí Minh ngành Kế toán. Em đã chọn theo học ngành Kế toán thuộc trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh cho tiện gần gũi với cha mẹ. Vì hiện nay, cha, mẹ em đang náu nương trên nầy để làm công nhân cho một nhà máy chuyên mua bán và thu gom phế liệu.
          Rõ ràng, mọi cố gắng rồi cũng được đền đáp. Sự chăm chỉ của đứa học trò nghèo, luôn xa cách tình yêu thương và sự vỗ về của cha, mẹ đã mang lại kết qủa khá mỹ mãn : được vào đại học bên cạnh hai người thân yêu nhất sau hơn mười năm không chung sống bên nhau. Chúc đứa học trò nhỏ ngày nào tiếp tục chắp cánh bay cao trong khoảng trời tương lai đang rộng mở.

                                              Đêm mưa Thu – 2012, Vienphanhong@gmail.com.