Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Thăm gia đình học sinh - sinh viên nghèo hiếu học

MỘT GIA ĐÌNH HIẾU HỌC ĐÁNG TRÂN TRỌNG.
******************
          Lần dò theo lời kể của em Đức – đứa học trò cũ để tìm đến nhà chị Lê Ngọc Ánh 56 tuổi, nhà số 344, ấp An Ninh, xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp để biết rõ thiệt hư về một gia đình nghèo hiếu học đáng nễ. Chúng tôi đến nhà thì trời đã gần chập tối. Tôi tranh thủ lấy máy ra chụp mấy tấm: cảnh nhà, ngôi mộ của chồng và nội thất nhà chị. Đồng thời tôi cũng hỏi thăm người hàng xóm về nền nếp sinh hoạt và mối quan hệ giao tế của chị, bởi lúc đó chị Ánh đi bán vé số chưa về kịp.
          Chúng tôi ngồi bệt xuống nền nhà bằng gạch tàu còn mới. Được biết căn nhà tình nghĩa nầy được chính quyền địa phương vừa cất cho trong diện hộ nghèo, tổng giá trị khoảng 20 triệu, trong đó chị Ánh phải bù thêm 8 triệu. Số tiền 8 triệu nầy được nhà nước cho vay, chậm tính lãi sau 3 năm. Lát sau thì chị Ánh cũng về tới trên chiếc xe đạp  cũ kỹ với đầy ấp những chai mũ trên giỏ. Cứ mỗi lần đi bán vé số là chị thu nhặt các vỏ chai mũ bên vệ đường hay trong các tiệm quán, khách uống xong quăng xó đâu đó. Nhiều ngày gom lại, chị bán phế liệu cũng được ít tiền.
          Chồng chị tên Nguyễn Công Toàn, quanh năm suốt tháng chỉ với nghề bóc vác lúa, gạo cho nhà máy xay xát gần đó. Có lẽ do công việc vất vả, cực nhọc lại không được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để điều trị kịp thời. Đến khi ngã bệnh thì đã quá nặng không cứu chữa được, anh đã từ giã cõi đời vào ngày 24 tháng 11 năm Ất Dậu – 2005, hưởng dương 46 tuổi với chứng bệnh xuất huyết não.
          Anh ra đi bỏ lại ba đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Cảnh nhà túng quẩn lại càng túng quẩn hơn. Vì đã mất đi một lao động chính, rường cột và là chỗ dựa về kinh tế cho cả gia đình. Mai táng cho chồng xong, chị Ánh lại tiếp tục cái nghề đi bán vé số, để nuôi sống gia đình và cho 3 con ăn học tấn tới. Bởi gia đình không có tư liệu sản xuất ngoài hai bàn tay trắng để bóc vác của chồng và mua bán vé số của chị. Đã nhiều lần, người thân hoặc hàng xóm đau xót trước cảnh tình của chị, khuyên chị cho hai đứa con lớn nghỉ học để đỡ đần việc gia đình. Nhưng chị kiên quyết cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Bởi chị nghĩ, có đi học mới thoát khỏi cảnh nghèo, còn nếu các con ở nhà tiếp mẹ thì đói khổ vẫn hoàn đói khổ.
Ý thức được tâm ý của mẹ, thấu rõ hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau và cảm thông trước nỗi đau mất chồng và sự tần tảo của mẹ, các con của chị cố công học tập và tiếp tay mẹ làm bất kỳ công việc gì có thể được. Đến nay, cả ba đứa con của chị đều đã bước vào ngưỡng cửa đại học. Cụ thể là:
          +Đứa con trai lớn, Nguyễn Công Minh, sinh năm 1991, hiện là sinh viên năm thứ 4, trường Đại học Y dược Cần Thơ, ngành Bác sĩ Y học dự phòng;
          +Con gái kế tên Nguyễn Kiều Loan, sinh năm 1993, sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Y dược Cần Thơ, cũng ngành Bác sĩ Y học dự phòng;
          +Đứa con út, Nguyễn Hoài Phương, sinh năm 1994, sinh viên năm thứ 1, trường Đại học Cần Thơ, ngành Kỹ thuật môi trường.
          Ba anh em của chúng thương yêu đùm bọc lẫn nhau, biết nương tựa vào nhau mà sống để đeo đuổi việc học. Cháu Công Minh và Kiều Loan đã phấn đấu hết sức mình để sớm ổn định việc ăn học bằng cách dạy kèm cho con, em các gia đình ngoại ô thành phố Cần Thơ. Rõ ràng tại cái xứ sở phồn hoa đô hội để tìm một công việc có thu nhập chính đáng và tạm chấp nhận được thật không dễ dàng chút nào. Nên hai cháu phải vất vả lắm mới xoay xở được để lo cho cái ăn, cái mặc, tiền trường, tiền điện, tiền nước.
          Chú Năm hàng xóm, gần nhà chị Ánh kể lại: mười mấy năm qua, ở sát bên nhà, tôi không thấy các cháu ăn quà vặt. Sáng nào thím Ánh cũng thức dậy thật sớm nấu một nồi cơm, nếu hôm đó có thức ăn, bằng không thì nồi cháu trắng, rồi cả nhà cùng quay quần bên mâm cơm, cháo đạm bạc. Xong rồi, chồng đi vác lúa mướn, vợ đi bán vé số, các con thì đi học. Hình như các cháu ở đây quanh năm suốt tháng chẳng biết ăn quà vặt là gì!!!. Chú cũng kể lại, có hôm gần tới giờ xổ số, trời mưa bán ế,  trên tay cầm dăm bảy tờ vé, chị hớt hơ hớt hải chạy đến từng nhà hàng xóm nài nỉ mua dùm mà quên cả thân mình đẫm ướt.
          Hiện nay, khổ tâm và nỗi lo lắng nhiều nhất tập trung cho thằng út Nguyễn Hoài Phương. Bởi nó mới vào đại học năm thứ I, chân ướt chân ráo ở xứ lạ quê người, chỉ có học chứ chưa tìm được việc làm để phụ mẹ trong các khoản chi tiêu của mình, đành phải chìa tay xin mẹ vài trăm ngàn đồng bằng tiền bán vé số của mẹ dành dụm được. Anh Minh, chị Loan cũng đã tằng tiện, chắt chịu để bù đắp cho đứa em út của mình.
          Lúc tiếp chuyện với chúng tôi, dù nhuễ ngoại mồ hôi, do chạy xe đạp cả chục cây số về nhà, nhưng chị vẫn nở nụ cười hãnh diện khi đưa cho chúng tôi xem những giấy khen, bằng khen và các giấy chứng nhận thành tích học tập của các con. Đặc biệt là cháu Công Minh đã đạt nhiều giải cấp tỉnh và cấp quốc gia.
Chúng tôi len lén nhìn chị mà chạnh lòng không sao kềm chế được sự xúc động. Bởi với cái tuổi nầy hầu hết phụ nữ đã nghỉ hưu, đã không tham gia lao động. Còn chị thì tảo tần sớm hôm với công việc bán vé số. Mỗi ngày chị phải đi lại hàng chục cây số trên mọi nẻo đường, tiếp xúc hàng trăm người bằng những lời chào mời ngon ngọt để mong sao những tờ vé số trên tay vơi dần. Ngoài việc đảm bảo hai bữa cơm sáng chiều, còn phải chắt chiu gửi đến các con ăn học.
Thanh thót, nhanh nhẹn là vậy, nhưng khi về đến nhà, tay chân chị như rã rời, nhức mõi. Cơn bệnh sỏi thận cũng không buông tha cho chị, nó cứ đeo đẳng để hành hạ chị. Không biết khi chị ngã lăn ra bệnh thì việc gì sẽ xảy ra.
Thật là một gia đình hiếu học đáng trân trọng và cần lắm sự giúp đỡ của bao người.
Đêm đầu Đông, ngày 03 tháng 11 năm 2012. Thamgiadinhhocsinh@gmail.com.

Học đường và những trái khoáy


LÀ NHỮNG CHIẾN SĨ THI ĐUA ĐÓ SAO?!?!?
***********
Nhân khi ký tên nhận lương tháng 11/2012, tôi bất chợt đọc qua danh sách cán bộ giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (CSTĐ) năm học vừa qua. Tôi không tin vào mắt mình. Vì sao trong danh sách lại có 2 thầy giáo đã từng bị lãnh đạo nhà trường nhắc nhở về thái độ vô cảm và tắc trách trước việc học tập và rèn luyện của học sinh mình. Tôi cũng đã từng chứng kiến và góp ý nhiều lần với hai vị giáo viên nầy, bởi nhiều lẽ: cả hai đều là “học trò ruột” của tôi – vì trước đây chúng học khá tốt môn Toán, cả hai cùng kinh qua các chức danh quan trọng của trường như là Bí thư Chi đoàn rồi Phó Hiệu trưởng, Chi ủy viên kiêm Bí thư Chi đoàn, …
Trước thái độ vô cảm và tắc trách của hai vị giáo viên kể trên, nhiều lần tôi tự hỏi: “Có phải chăng, từ một giáo viên giữ nhiều cương vị quan trọng bị “thất sũng” lại không đạt các danh hiệu thi đua nhiều năm nên đâm ra bất mãn, thoái thoát bổn phận thầy giáo của mình. Những biểu hiện của chúng, đã nhiều lần tôi viết thành “Ngày càng có nhiều chuyện lạ trong học đường”. Tôi xin đơn cử bằng các trích dẫn sau:

-Trước mắt chúng tôi, chiều thứ năm 03/5/2012, khi vừa trong họp HĐSP bước ra, đã thấy 7 giáo viên nam đang quay quần bàn cờ tướng, phía trước nhà bảo vệ Hùng, phó mặc cho nội dung cuộc họp chiều nay như thế nào !!! (Hai kỳ thủ chính là hai vị giáo viên tôi đã đề cập.)
-Chưa hết, chiều thứ bảy 05/5/2012, một học sinh nữ - đang là lớp trưởng của một lớp 8, bước vội vào Phòng Giáo viên với thái độ giận dữ và hằn học : “Thầy lên giải quyết coi, cả lớp mất trật tự, em không chịu nổi”. Ừ, em lên trước đi, chốc lát thầy lên. Một trong ba giáo viên nam đang thực hiện các trò chơi trên mạng, lên tiếng !!! (Hai trong số đó là hai vị giáo viên đạt CSTĐ).
-Còn nữa, ngồi trong Phòng Giáo viên để vào điểm, nghe tiếng ồn ào, quát tháo văng vẳng từ các phòng học gần Văn phòng Hiệu trưởng, tôi vừa đi trả các Sổ GTGĐ vừa xem tình hình thực hư thế nào. Thì ra, lớp 7A1 không có thầy, cô giáo chủ nhiệm, học sinh “tự xử” như một cái chợ. Lớp 7A2 thì tương đối ít ồn ào hơn vì có thầy chủ nhiệm ngồi trên bàn nhưng đang chăm chú, mãi mê ghi chép gì đó. Tôi trở lại Phòng Giáo viên và nhắc nhủ : “Lớp 7A1 là của chú chủ nhiệm ? Sao không vào lớp để ổn định, lớp mất trật tự quá”. Dạ, tiết hoạt động ngoài giờ, để cho nó “quậy” đã đi !!!. Một thầy giáo đang lúy húy và khoái trá với các videoclip trên mạng, trả lời tôi. Thật là một chuyện lạ đến khó nghe lọt tai. Hình như lúc nầy, chẳng thấy có “ai” ở văn phòng Hiệu trưởng cả. Thì ra người thốt ra những câu nói khó nghe đó lại là Chiến sĩ thi đua!!!.
-Chiều thứ hai 21/5/2012, hầu hết thầy, cô giáo và học sinh đều tập trung cho buổi chào cờ đầu tuần. Đang khi đó, cũng có đến 4, 5 giáo viên nam đang chăm chú vào bàn cờ tướng ngoài quán nước, đối diện trước cổng trường. Họ bỏ mặc cho học trò lớp mình chủ nhiệm đang lắng nghe những thông tin mới từ một cán bộ phụ nữ xã thuyết trình, những nhận xét của Tổng phụ trách Đội và các chỉ thị của thành viên Ban Giám hiệu nhà trường. Hai trong số  vị giáo viên“ quay lưng” trước sự quán xuyến bất kham của Tổng phụ trách Đội ở sân cờ cũng lại là hai vị Chiến sĩ thi đua vừa nói.
………………….
Đó là số nhỏ những hình ảnh mà tôi mục kích được khi những buổi dạy – học có mặt của tôi. Còn vô vàn những buổi dạy – học khác thì sao??? Giấy bút nào ghi chép hết những trái khoáy đó. Hình ảnh những Chiến sĩ thi đua là như vậy sao? Tiêu chí nào lại kỳ quái đến thế?
Vậy thì “Có phải chăng công tác thi đua của nhà trường ta đã có vấn đề - đã biến tướng để không còn thấy thực chất tốt đẹp cần phấn đấu của nó”. Xin nhanh chóng chỉnh sửa.
                Đêm đầu Đông, 08/11/2012. Nhungtraikhoayhocduong@gmail.com