Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Tiếng trống trường


TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG.
**************
          Chắc chắn mỗi chúng ta đều không lạ lẫm gì về tiếng trống trường. Có khi tiếng trống trường đã hòa vào nhịp đập của trái tim ta, mỗi khi chúng ta nhớ về mái trường xưa – nơi mà chúng ta đặt bước chân đầu đời vào  để “học hỏi và tập tành những con chữ A, B, vở lòng”.
          Tiếng trống trường vang lên để thúc giục học sinh khẩn trương đến trường, vào lớp ngồi chờ giáo viên đến giảng dạy. Đồng thời với đó là đội ngủ cán bộ, nhân viên cũng tất bật ổn định nhanh nơi khu vực hành chánh của mình để mà quản lý, phục vụ.
          Ngày nay, khi mà mỗi học sinh, mỗi thầy cô giáo đều đã trang bị đồng hồ (riêng biệt hay tích ứng vào các điện thoại di động), và mỗi người đều có sẵn lập trình giờ giấc. Nên họ đến trường lúc nào, ra về ra sao thì hình như tự họ định đoạt. Tiếng trống trường chỉ còn là hiệu lệnh mang tính thông báo thời điểm khởi đầu và kết thúc một tiết dạy – học. Bởi các thành viên Ban Giám hiệu và nhân viên nhà trường đã qui ước – thỏa thuận ngầm với nhau là họ chỉ đến trường từ 7 giờ 30 sáng và 13 giờ 30 chiều. Đến trường từ giờ phút ấy, đồng nghĩa với việc đừng ai xử lý hoặc suy bì khi họ không đến trước giờ khắc thiêng liêng đó. Còn họ có vào ngay công việc mà họ phụ trách hay không lại là chuyện khác. Vì trong trường đã có Căn tin phục vụ thức ăn, nước uống. Trong phòng làm việc có cài đặt sẵn game, internet mà. Chưa kể, “giờ tan sở” của họ thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chỉ có trời mới quản lý, mới biết họ ra về từ lúc nào. Có thể, sau năm 2000, số lượng người ở văn phòng trường khá nhiều : 03 thành viên Ban Giám hiệu, 1 kế toán, 1 thủ quĩ, 1 giáo vụ (có cả cán bộ thiết bị, Thư viện, nhân viên bảo vệ, tạp vụ nữa). Nhưng có nhiều buổi trong gờ hành chánh, văn phòng vắng ngắt đến lạ thường ?!?!?! cho dù đèn vẫn bật sáng choang và các chiếc quạt vẫn thản nhiên chạy soành soạch. Vì thế, đang dấy lên phong trào “khoái làm Ban Giám hiệu hoặc nhân viên hơn giáo viên dạy lớp”.
          Nhà trường qui định học sinh đến lớp trước 6 giờ 30 sáng và 12 giờ 30 trưa để truy bài đầu buổi. Và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có tiết đầu phải vào lớp từ lúc ấy để ổn định, nắm tình hình và theo dõi sĩ số từng buổi của học sinh. Nhưng đâu phải buổi nào GVCN cũng có tiết dạy. Lúc bấy giờ ai quản lý học sinh ? Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn à . Cả hai ông nầy cũng có những cảnh tình riêng, đâu khác gì những GVCN. Nên hiện tượng gây gổ, hỗn loạn ở một số ít trước hành lang, trong phòng học là không thể tránh được. Và bệnh gây rối, mất trật tự là một thứ “dịch học đường”, nó dễ dàng lây lan các lớp bên cạnh.
Mấy năm gần đây, tiếng trống trường sao mà nó giống với “tiếng kẻng trong các hợp tác xã nông nghiệp” thời bao cấp quá. Bởi, khi nghe tiếng trống thì hình như nhiều GVBM không còn lòng dạ nào mà giảng dạy thêm một điều gì nữa, cho dù những điều đó là rất cần thiết cho học sinh. Ngay cả tiết thao giảng, minh họa cũng thế. Đã tổ chức thành một tiết dạy – học riêng, có mục đích và ý tưởng riêng, nhưng mỗi khi tiếng trống trường vang lên thì thầy – trò và ngay cả người dự chẳng tha thiết đến điều gì nữa ngoài việc thu xếp nhanh chóng để giải thoát ra khỏi tiết dạy – học.
Riết rồi thành quen, người đánh trống được mặc định như là người “giữ nhịp cho việc thực hiện phân phối chương trình bộ môn”. Có người mong ngóng được nghe tiếng trống, vì nếu trễ hơn sẽ vô tình hay cố ý kéo dài thêm sự tù túng, đọa đày giữa thầy và trò trong những tiết dạy – học “ vô hồn”. Có kẻ lại lo sợ tiếng trống đến sớm hơn sẽ làm tan vở, gãy đổ những mong muốn, những khát khao, những ước vọng lẽ ra phải được thầy cô giáo rót hết vào tai, vào đầu óc hồn nhiên, trong sáng của học sinh thân yêu qua những tiết dạy – học rất “tình người”. Đôi lúc họ nghĩ, tiếng trống trường vô tình là một áp lực, một nỗi ám ảnh, là một trở lực cản ngăn “việc tìm đến nhau” giữa người đi trước và kẻ đi sau.
Xin ai đó, hãy cảm nhận được tâm trạng của nhiều thầy cô trên bục giảng hiện nay, khi mà họ đã phải cam chịu quá nhiều áp lực.  Để âm thinh tiếng trống trường đồng thuận, hòa quyện vào nhịp đập của những con tim luôn thiết tha về một ngôi trường chứa chan tin yêu và tình cảm. Để tiếng trống trường không còn lạc điệu, vô cảm như thời gian qua nữa.
                               Đêm đầu Xuân, 12/01/2012. Tambangxanh@gmail.com

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

BẢN LĨNH NGƯỜI HIỆU TRƯỞNG


ĐOÀN TÀU KÉO NHỮNG  CHIẾC XUỒNG CÂU LƯỚI TRONG MÙA LŨ.
*********************
Cứ mỗi độ gió thu heo hắt thổi về là khi mà các cánh đồng đã loáng loáng nước lũ. Có những chiếc xuồng câu, lưới, lờ, lợp nối đuôi nhau kết thành chuổi dài ngoằn ngoèo bởi một chiếc tàu có mã lực lớn kéo về phía trước. Lộ trình của họ khá dài – có thể ngót nghét 100 cây số và khá lâu – một hai ngày đường. Họ khởi hành từ hạ nguồn của sông Hậu : Định Yên, Định An - Lấp Vò, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh – Long Xuyên đi tới tận miệt đồng sâu, giáp ranh giới Việt Nam – Campuchia rất nhiều tôm cá.
Chúng tôi không có ý định cũng như tham vọng phân tích về những cảnh tình, việc thu hoạch cá tôm của họ. Mà chỉ nêu lên mấy cảm nhận mang tính hình tượng về chung quanh chuyến đi của họ mà thôi. Để có sự liên tưởng, so sánh những điều bức xúc đang diễn ra tại trường THCS vùng nông thôn sâu mà gần thành thị như trường ta chẳng hạn.
Trở lại hình ảnh của đoàn tàu kéo những chiếc xuồng “ba lá” , có trang bị “tấm cà rèm” để che mưa tránh nắng. Mỗi xuồng thường là một đàn ông tuổi thanh hoặc trung niên – đó là những lao động khi nông nhàn. Cá biệt cũng có người mang theo cả vợ và con nhỏ để giảm bới sự quạnh hiu và đỡ đần khi cần tới. Có thể họ là những cặp vợ chồng trẻ hơi khó xa nhau nhiều ngày đêm trong những cánh đồng không mông quạnh.
Do quãng đường quá xa, thời gian đi khá lâu nên hầu hết những chiếc xuồng nầy đều mắc sẵn những “bánh lái” cố định. Rồi mặc tình cho sự điều hành của chủ tàu kéo đằng trước, họ tụm ba, tụm bốn vào các chiếc xuồng có kích cở lớn hơn để mà tán gẫu, uống trà, lai rai vài ly rượu đế, đàn ca – xướng hát, đánh cờ, chơi bài, ngâm nga vài câu thơ, câu giảng, …hoặc thả hồn vào mộng.
Chiếc tàu cứ hướng về đích mà chạy, dòng xuồng cứ nối đuôi nhau lượn lờ, uốn quanh qua những con sông, con rạch. Chủ tàu đã yên phận vì đã thu trước khoản tiền công kéo theo hợp đồng. Trên đường đi, nếu có ai đó bám víu vào thì xuồng nào cho vịn sẽ thay mặt chủ tàu nhận tiền công theo thỏa thuận và qui ước ban đầu. Lâu ngày thành lệ, quen dần. Vì thế, họ chẳng mải mai quan tâm đến “nội tình” và sự va quẹt nếu có giữa những chiếc xuồng với những vật chướng ngại trên dòng sông.
Còn những “ngư phủ bất đắc dĩ” đang nheo nhúc đằng sau chẳng buồn suy nghĩ gì về “sự tồn vong” của chiếc xuồng yêu quí. Họ đinh ninh rằng những sợ dây thừng nối kết họ với tàu kéo là không thể đứt phăng ra được.
………………….
Hình ảnh chiếc tàu kéo và những chiếc xuồng câu, lưới vừa nêu ở trên sao lại khá giống với công tác quản lý, điều hành nhà trường ta hiện nay. Giữa người quản lý và lực lượng bị quản lý chỉ liên kết nhau mỗi một sợi dây thừng mỏng manh. Đó là đồng lương và các báo cáo. Tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên chỉ vì sợ mất đồng lương hàng tháng mà họ cố gắng bám víu với ngành, với trường. Vì thế có một bộ phận thầy, cô giáo đứng lớp một cách khá miễn cưỡng với những trang giáo án “khô cứng”, những tiết dạy “vô hồn”, hoạt động chủ nhiệm thì “thiếu lửa”. Một vài thành viên Ban Giám hiệu, nhân viên phục vụ thì uể oải, cắt xén giờ giấc hành chánh để lo toan cho việc riêng, tìm mọi cách để tăng thu nhập. Họ làm việc thiếu gương mẫu, thiếu đầu tư để cải tiến phương pháp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cùng với cơ chế “đương đại” – Ban Giám hiệu không đứng lớp, thiếu kiểm tra thường xuyên, quanh quẩn với những con số, những cứ liệu thông qua các thống kê báo cáo từ cấp dưới lên, nên bệnh quan liêu, xa rời thực tế ngày một lớn dần, đã làm chai sạn đầu óc quản lý điều hành và tạo khoảng cách khá xa giữa Ban Giám hiệu và giáo viên, nhân viên.
Cũng là đoàn tàu – tàu hỏa chẳng hạn. Các toa liên kết nhau rất gần gũi, chặt chẽ, khăng khít và chắc chắn. Một nhân viên kiểm soát vé có thể đi từ đầu tàu đến các toa cuối một cách liên thông để dõi theo và xử lý kịp thời những di biến động nếu có xảy ra.
Cung cách quản lý điều hành nhà trường nên mang hình dáng “Đoàn tàu hỏa” hơn là “Đoàn tàu kéo những chiếc xuồng câu lưới” !!!
Đêm cuối Đông, 12/01/2012. Chieccompa@gmai.com.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Học sinh yếu - kém và Vấn đề phụ đạo học sinh yếu - kém

BÀI THAM LUẬN “VẤN ĐỀ PHỤ ĐẠO HỌC SINH YẾU - KÉM”.
******************************
          Học sinh (HS) yếu – kém được hiểu là những học sinh bị xếp loại yếu hoặc kém về mặt học lực sau một quá trình học tập tại nhà trường phổ thông. Theo thiển ý chủ quan của tôi thì hình như lực lượng học sinh yếu – kém ngày một tăng dần cho từng năm học, mặc dù biểu hiện trên những con số là có giảm. Và chính học sinh yếu - kém là căn nguyên, là cội nguồn của mọi sự vi phạm nội qui, mọi tội lỗi. Bởi từ yếu – kém về học lực sẽ là cơ may thuận lợi nhất để yếu – kém về mặt hạnh kiểm, đạo đức hoặc là bạn đồng hành của nhau. Đó cũng là nỗi ám ảnh, là niềm băn khoăn, trăn trở của lực lượng sư phạm từ giáo viên bộ môn (GVBM), giáo viên chủ nhiệm (GVCN) đến Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường, nhất là trường nông thôn như Hòa An chúng ta.
          Ý thức được những hậu quả, những hệ lụy trực tiếp chung quanh tệ trạng học sinh yếu – kém, từ mấy năm học qua lãnh đạo trường ta đã chủ động đưa ra nhiều phương sách để hạn chế dần đối tượng nầy. Một trong những phương sách được gọi là khả thi và chấp nhận được đó là tổ chức “phụ đạo học sinh yếu - kém”. Dựa trên quan điểm là lấy kết quả học lực học kỳ I, lựa chọn ra những học sinh nào xếp loại yếu – kém và yếu – kém vì bộ môn nào thì tổ chức phụ đạo môn học đó. Nhưng thường thì chỉ có các môn Văn, Toán, Anh văn là được phụ đạo. Với cách làm nầy thì ngoài hạn chế là chỉ có một thiểu số học sinh theo học, phần đông các em nầy thuộc diện “thiểu năng trí tuệ”, còn có một hiện tượng khác là nhiều em đã mất hẳn động cơ học tập nên có thái độ chây lười, công sự với chủ trương trên.
          Với quan điểm “Hãy phụ đạo ngay khi học sinh mới chỉ là yếu – kém về học lực chưa kịp mất hẳn động cơ học tập”, nên có năm học, sau khi khảo sát chất lượng bộ môn Văn – Toán – Anh văn, thể theo lời yêu cầu của nhiều GVBM tâm huyết, BGH đã tổ chức các lớp phụ đạo có phân chia lớp và GVBM cụ thể.
          Nhưng cả hai cách làm trên đều đạt hiệu quả thấp, có khi đi ngược lại tác dụng giáo dục và gây lãng phí lớn cho cả thầy lẫn trò. Bởi chỉ có một số lượng ít các em theo học từng buổi (3,4, 5/25 học sinh theo học môn Toán lớp 7), cho dù BGH và GVCN đã thực hiện nhiều giải pháp để “lôi kéo” các em ra lớp. Còn phản tác dụng giáo dục là vì những em không đi học phụ đạo chẳng những không bị xử lý kỷ luật mà có khi cuối năm vẫn thảng nhiên lên lớp là đằng khác.
          Nguyên nhân của hiệu quả thấp về công tác phụ đạo học sinh yếu – kém các năm học qua tại trường ta thì rất nhiều, nhưng tựu trung vào các nguyên nhân chủ yếu sau :
          1)-Học sinh yếu – kém về học lực không chỉ vì hoạt động dạy của thầy yếu – kém, mà còn có các lý do khác :
                   -Các em nghỉ học nhiều trong năm học;
                   -Một bộ phận khá đông HS không chịu soạn bài, học bài, làm bài trước khi đến lớp. Còn đã vào lớp rồi thì không mang đủ học cụ như sách giáo khoa, tập vở, viết thước, compa, …lại không chú tâm vào việc học : ngó quanh, lo ra, hoặc tìm mọi cách có thể để làm việc – trao đổi riêng, cá biệt gây hấn mất trật tự trong tiết học;
          Vì thế, với mỗi một tiết phụ đạo cho một môn học trong tuần thì không thể nào “hàn gắn – kết nối” được các kiến thức – kỹ năng bị hụt hẫng chứ chưa nói đến lấp đầy khoảng trống mênh mông do các em nghỉ học quá nhiều buổi. Và chỉ có mỗi một GVBM thì không thể nào cảm hóa, biến đổi một HS chây lười, biếng nhác, ngỗ ngáo gần như mất động cơ học tập trở thành một HS ngoan ngoãn được.
          Tóm lại, “chỉ nên tổ chức phụ đạo những HS chịu khó học tập nhưng chất lượng thấp” thôi. Thường là những em “thiểu năng trí tuệ hoặc tâm thần phân liệt dạng khởi phát”. Các đối tượng còn lại thì nên có những giải pháp khác mang tính tổng hợp, khả thi và căn cơ hơn.
          2)-Chưa có biện pháp cứng rắn mang tính hành chính để xử lý “mạnh tay” những HS “ngoan cố” không chịu ra lớp phụ đạo. Đây là biện pháp quá khó, nếu không muốn nói là không tưởng trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta còn bị động, có lúc trở thành bất lực đối với một HS không ra lớp chính qui, chứ đừng nói chi là lớp phụ đạo.
          3)-Việc tổ chức phụ đạo học sinh yếu – kém thời gian qua và hiện nay vẫn còn là biện pháp tình thế - “đánh đằng đuôi”, chưa căn cơ cần thay đổi mô typ khác cho phù hợp và hiệu quả hơn.
          Như vậy, để không tiếp tục bị động vào các biện pháp tình thế - đánh đằng đuôi thì chúng ta phải chủ động xác lập nhanh những giải pháp căn cơ – “đánh đằng đầu” mang tính tổng thể, cộng đồng trách nhiệm và phải được lãnh đạo từ Chi bộ Đảng của trường học. Nhưng trong khi chờ đợi Nghị quyết của Chi bộ về vấn đề nầy, chúng tôi xin được mạnh dạn đề xuất và kiến nghị mấy việc sau :
          1)-Với Tổ chuyên môn :
                   -Xóa dần tư tưởng “bộ môn phụ” trong các giáo viên dạy Lịch sử (LS), Địa lý ĐL), Giáo dục công dân (GD), Công nghệ (CN), Sinh học (SH), Vật lý (VL), Hóa học (HH) và các bộ môn xếp loại khác như Thể dục (TD), Mỹ thuật (MT), Âm nhạc (ÂN);
                   -Hãy thực hiện các phương châm “Nhìn vào ánh mắt người học mà dạy”, “Dạy sát đối tượng học sinh”, “Lấy học sinh làm trung tâm” một cách thực sự và nhất là “Đừng để học sinh yếu – kém đứng bên lề tiết dạy”;… góp phần xây dựng “HỌC HIỆU” vững chắc cho nhà trường ta;
                   - . . .
          2)-Với Tổ Chủ nhiệm :
                   -Sớm ban hành các qui định cụ thể, sát hợp, hiện thực kèm theo các Nội qui trong học đường để vừa góp phần nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm, vừa đồng bộ hóa nhất quán hóa năng lực quản lý HS và đưa vào nền nếp qui củ;
                   -Mạnh dạn thay đổi, điều chỉnh việc phân công GVCN cho phù hợp thực tiễn trường học;
                   -Việc phân hoạch, bố trí HS từng lớp nên theo địa bàn để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho GVCN trong theo dõi, quản lý lớp học, vừa tạo mối liên hệ khắng khít giữa gia đình với nhà trường, đồng thời HS dễ gần gũi, tiếp cận với nhau khi học tập theo nhóm tại nhà;
                   - . . .
          Xây dựng và củng cố nền nếp, ổn định trật tự, giáo dục hạnh kiểm của GVCN đồng thời với không ngừng cải tiến , đổi mới phương pháp nâng chất lượng giảng dạy của GVBM có quan hệ tương hỗ, mật thiết với nhau.
          3)-Với Ban Giám hiệu + Chi ủy :
                   -Đổi mới phương pháp giảng dạy phải đồng thời với nâng cao bản lĩnh tay nghề của người thầy. Bấy lâu nay, chúng ta đã liên tục đổi mới phương pháp qua rất nhiều các chuyên đề, hao tốn biết bao giấy mực, tiền của, công sức, thời gian,…kết hợp với nhiều lần cải cách chương trình, nội dung sách giáo khoa (SGK) bên cạnh với tăng cường sản xuất trang thiết bị trường học. Nhưng đội ngủ học sinh yếu – kém chẳng những không giảm mà đang có nguy cơ tăng dần;
-Đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên phải đồng thời đổi mới và nâng cao bản lĩnh quản lý, lãnh đạo, điều hành của Ban Giám hiệu, của Chi ủy và khả năng phục vụ của nhân viên nhà trường;
-Mỗi thành viên Ban Giám hiệu, Chi ủy viên phải hết sức gương mẫu, dũng cảm, bản lĩnh để kiên quyết xóa dần đến đoạn tuyệt chủ nghĩa hình thức, bệnh thành tích ảo hầu ngăn chặn hệ lụy của vấn nạn “bị ngồi nhầm lớp, nhầm cấp của một bộ phận khá đông HS hiện nay”;
-Thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả Tổ tư vấn học đường, Tổ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh;
-Khi xếp thời khóa biểu dạy – học nên quan tâm nhiều đến lợi ích học tập của các em. Thời gian qua, có những lớp, một buổi chỉ có các môn khoa học xã hội (thứ 3, các lớp 7A2, 7A3 : MT, AV, AV, V, V; L, Đ, AV, V, V);  hoặc chỉ có các môn khoa học tự nhiên (thứ 7, các lớp 7A1, 7A2, 7A4 : (T, Si, T; L, T, Si; Si, T, T); hoặc môn Toán chỉ tập trung ở một vài ngày liền kề nhau, …
          Đã gây khó khăn ít nhiều cho việc tiếp thu, hấp thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng.
- . . .
          4)-Với các đoàn thể :
                   -Đoàn – Đội : bên cạnh những công việc mang tính hành chính như theo dõi, xử lý HS vi phạm hiện nay, cần phải thường xuyên gần gũi, tiếp cận nhiều hơn nữa các em diện yếu – kém (cả về học lực lẫn hạnh kiểm) để cảm hóa chúng. Nhằm thực hiện tốt chức năng cố hữu của mình là “thông qua hoạt động ngoại khóa, ngoại giờ mà giáo dục, uốn nắn học sinh”;
                   -Công đoàn cơ sở (CĐCS) : phối kết hợp với chuyên môn (chính quyền trường) tổ chức kèm cặp, giúp đỡ những GVBM, GVCN có trình độ, năng lực, nghiệp vụ giảng dạy và giáo dục còn hạn chế. Xóa dần khuynh hướng “đánh đồng, cào bằng” trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu chuyên môn. Tách bạch giữa pháp chế và thi đua, vì đang có sự ngộ nhận hoặc lầm lẫn lớn về hai khái niệm nầy. Nhiều lúc đã đồng hóa thi đua với pháp chế. Vì thế dễ nảy sinh ra bệnh đối phó lẫn nhau để được công nhận đạt danh hiệu thi đua, để không bị Ban Giám hiệu “quấy rầy”. Tệ hại hơn, đã làm cùn mằn, nhụt chí đấu tranh và sức phấn đấu của nhiều người;
                   -BTT.Hội Cha mẹ học sinh (CMHS) : nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội. Chủ động, tích cực đi sâu và giải quyết có hiệu quả các gia đình có con, em trong diện yếu – kém;
                   - . . .
          5)-Với Đảng ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) xã :
                   -Tiếp tục đẩy mạnh việc nâng chất các gia đình văn hóa, ấp văn hóa, đặc biệt chú mục đến các tiêu chí “nâng chất lượng cuộc sống tinh thần của người dân” để hạn chế và ngăn chặn các tệ nạn xã hội đang có nguy cơ xâm nhập vào học đường. Bởi các bài học về giáo dục công dân không đủ liều khi mà hàng ngày có nhiều em phải chứng kiến những cảnh tượng phản cảm, phản giáo dục ở gia đình, ngoài xã hội;
                   -Nhìn nhận vấn đề “học sinh bỏ học” thông thoáng và biện chứng hơn, đừng tạo áp lực nặng nề cho nhà trường, cho thầy cô giáo. Để chúng ta sớm xác lập những phương sách thông minh, hữu hiệu giảm dần hệ lụy của vấn nạn nầy;
                   - . . .
          6)-Với ngành giáo dục huyện – tỉnh :
                   -Đã không thể sử dụng kết quả xét tốt nghệp trung học cơ sở (TN.THCS) cho tuyển sinh vào lớp 10 do thiếu độ tin cậy vào việc đánh giá – xếp loại của trường học trong cùng đại bàn thì nên chăng là vẫn tiếp tục duy trì cách thức tuyển sinh như hiện nay. Nhưng cần mạnh dạn thay đổi một chút, dù nhỏ nhưng rất căn cơ. Đó là, chọn ngẫu nhiên 4 môn thi trong 4 cụm bộ môn : Văn – Toán – Ngoại ngữ; Sử - Địa – GD; Lý – Hóa – Sinh – CN và Nhạc – Mỹ thuật – TD, (giống như bắt thăm chia bảng thi đấu thể thao vậy). Ví dụ : sẽ có kỳ thi tuyển sinh với 4 môn đã được chọn ngẫu nhiên : Toán – Sử - CN – TD, … chẳng hạn. Và dĩ nhiên , kỳ thi vẫn diễn ra 1 ngày (sáng 2 môn, chiều 2 môn).
          Nếu tổ chức được như thế thì cái gọi là “môn phụ” sẽ không còn nữa. Và mọi môn học đều bình đẳng và trách nhiệm như nhau. Lúc đó, không chỉ có Văn, Toán, Ngoại ngữ mới có học sinh yếu – kém.
                    -Cho phép “rộng rãi” một số GVBM có thâm niên và trình độ tay nghề tương đối vững được “thực hiện chương trình linh động hơn để phù hợp với đối tượng học sinh”, nhằm thu hẹp dần diện yếu – kém. Đính kèm Công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT số 9832/BGDĐT-GDTH, ngày 01/9/2006 do Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai ký và nỗi niềm của Thứ trưởng khi trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật số ra ngày 21/3/2005.
          - . . .
 

Tóm lại,
*“Không thể phụ đạo những học sinh yếu – kém về học lực nhưng không phải vì học yếu, học kém”. Còn học sinh yếu – kém vì các nguyên nhân khác thì cần có giải pháp tổng thể, cộng đồng trách nhiệm, khả thi từ sự lãnh đạo sáng suốt bằng Nghị quyết chuyên đề của Chi bộ.
*”Phụ đạo học sinh yếu – kém” và “bồi dưỡng học sinh giỏi” khác nhau về bản chất nên hoàn toàn không thể tổ chức giống nhau. Phải “nhúng” những con người cụ thể và tế nhị ấy vào “môi trường” đã “manh nha” ra chúng để mà giáo dục, uốn nắn. Cố nhiên, không để có phương pháp giảng dạy tối ưu nào cho vấn đề nầy nếu như người thầy chưa có tấm lòng vị tha, nhân hậu. Đó là bản lĩnh của người thầy.
Chúc buổi họp thành công mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực.
                            Người viết tham luận : Vienphanhong@gmail.com.