Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Cho thầy xin lỗi các em !!!


CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!!
******************
          Năm học 2011-2012 nầy có thể là lần đầu và cũng là lần cuối thầy quyết định không đăng ký thi đua do nhà trường phát động. Bởi hơn ba mươi năm lăm lăn lộn trong học đường, có 23 năm làm cán bộ quản lý, chỉ có 12 năm trực tiếp giảng dạy. Nhưng 12 năm trực tiếp giảng dạy ấy thì có đến 8 năm thầy chưa thực hiện chức năng thiêng liêng do xã hội, nhân dân giao phó – vai trò, trách nhiệm của một thầy giáo chân chính, thầy giáo đúng nghĩa.
          Hơn 23 năm làm cán bộ quản lý trường học. Bao gồm 8 năm làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn dạy – học cấp hai và 15 năm làm hiệu trưởng. Trong suốt thời gian nầy, thầy không làm một việc gì sai trái để lương tâm phải cắn rứt, dày vò, hối tiếc. Chỉ có điều tiếc nuối là chưa thể cống hiến nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương mình với tư cách là một cán bộ quản lý trường học. Bởi sức khỏe đã giảm sút nhanh do chế độ học hành “bán xác” ngày xưa và sự tận tụy, đầu tư tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của nhà trường bây giờ. Cố nhiên, còn có ít nhất một nguyên nhân cơ bản khác, là “không muốn trở thành hình nộm – rô bốt biết nói trước những mưu mô, toan tính của những người có quyền lực hơn”.
          Sở dĩ nói rằng 8 trong 12 năm giảng dạy chưa thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò, trách nhiệm thiêng liêng của một nhà giáo chân chính, đúng nghĩa là vì “áp lực của công tác thi đua”. Chính thi đua đã làm nhụt chí, thui chột phần nào sự đấu tranh “nổi tiếng” là kiên quyết của thầy trước những tình huống trái khoáy, phi giáo dục, vi phạm nhân văn đã xảy ra. Vì các tiêu chí thi đua mà thầy đã “nhắm mắt” tự đánh lừa mình và đánh lừa cả với học sinh thân yêu của mình. Bằng cách cam tâm “thay đổi các con điểm để coi cho được”, để có một tỉ lệ trên trung bình, lên lớp,… có thể chấp nhận được, ít nhất là không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của tổ chuyên, của nhà trường. Còn và còn nhiều việc “trái lòng” nữa. Từ đó, hàng năm đã vô tình hay hữu ý bổ sung một lượng HS ngồi nhầm lớp vào cái đội quân đáng nguyền rủa nầy. Biết rằng đó là “gậy ông đập lưng ông” nhưng không cưỡng lại được. Nó là gánh nặng, là tai ách ngay cho bản thân mình và đồng nghiệp mà không có phương cách nào thông minh để thoái thoát. Vì sự nghiệp trồng người là sự nghiệp trăm năm và mỗi thầy – cô giáo phải lặn ngụp trong cái biển học đường ít nhất đôi ba chục năm !?!?.
          Từ đầu năm học 2011-2012 cứ những tưởng thầy sẽ không vướng víu bởi những vòng vây nghiệt ngã ấy để làm hết vai trò, trách nhiệm và chức năng thiêng liêng của mình. Nào ngờ, đến những “bước đi cuối cùng” trong năm học 2011-2012 nầy, thầy vẫn vấp phải một “viên sỏi nhỏ” chen giữa hai ngón chân làm đau thốn cả tâm can. Đó là phải thực hiện chương trình một cách khiêng cưỡng và ngu dốt. Nghĩa là thay vì phải dạy 3 tiết Hình học và 1 tiết Đại số từ tuần 32 để chia sẻ áp lực học phân môn hình học với quá nhiều kiến thức và kỹ năng quan trong vào những tuần lễ cuối năm. Đàng nầy, phải dạy theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” của các nhà mô phạm mà không biết phấn trắng, bảng đen là gì. Nên đành phải chấp nhận một hiện tượng đau lòng, phi khoa học giáo dục là kể từ tuần 33 học sinh lớp 7, 8 phải học đến 4 tiết Hình học trong tuần. Tuy vậy, vào 2 ngày 30/4, 01/5 tới sẽ phải nghỉ 2 ngày thì không cách chi dạy kịp chương trình để đủ kiến thức – kỹ năng hình học cho các em thi học kỳ II !!!??? (Còn 2 tiết Hình học 8 : Tiết 66 (Luyện tập thể tích hình hộp chữ nhật) , Tiết 67 (Ôn tập Chương IV); tương tự còn 1 tiết Hình học 7 : Tiết 64 (Luyện tập tính chất 3 đường cao của tam giác) phải dạy sau thi học kỳ II). Nếu không làm theo một cách máy móc và vô cảm như thế sẽ bị “chụp mũ” là vi phạm qui chế chuyên môn. Sẽ bị “kiểm tra nội bộ” luôn rình rập để truy cứu trách nhiệm - một tội khá nặng dùng để “triệt hạ đối thủ”. “Trâu già chẳng nệ dao phay”, thầy biết rõ và rất bản lĩnh khi đối mặt với nó. Nhưng chẳng lẽ cuối đời lại có một tì vết nhỏ nhoi ấy làm xấu đi hình ảnh của chính mình khi xa mái trường mà hằng 20 năm gắn bó xây dựng và phát triển.
CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!! về những hành tung ngu xuẩn không đáng có kể trên của thầy. Rõ ràng “mỗi khi nghe chó sủa mà ta dừng bước thì biết bao giờ mới đi hết đoạn đường” (Ngạn ngữ Ấn Độ) vẫn còn nguyên giá trị. Và dù “khi bị sĩ nhục ta tự nâng tâm hồn lên cao mãi cho đến khi sự sĩ nhục không với tới được” đã sớm trở thành phương châm hành động của thầy từ rất lâu. Nhưng “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và nọc độc của chó điên cắn sau lưng thì hậu quả khôn lường.
Đêm mưa đầu mùa, 22/4/2012. Vienphanhong@gmail.com.

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Chiếc núm vú giả


CHIẾC NÚM VÚ GIẢ
***************
          Nấm vú da hay núm vú giả, xét về mặt hình tượng thì khác nhau nhưng công dụng thì giống nhau nhiều chỗ. Nấm vú da thường là của bà nội, bà ngoại – một phụ nữ luống tuổi đã “cạn sữa”, chỉ dành cho trẻ bú “đỡ lòng” khi đói bụng vì không có mẹ bên cạnh. Còn núm vú giả dùng để trẻ bú sữa pha sẵn trong bình hoặc đã “nghiện bú” nhưng đang cai sữa. Đứa cháu ngoại của tôi đã bị dứt sữa mẹ từ bốn tháng tuổi. Trước khi ngủ trưa hoặc đêm đều phải cho cháu ngậm núm vú giả. Có thế thì giấc ngủ mới đến sớm hơn và ngon lành hơn. Nhìn cháu ngủ say nhưng trên môi luôn mấp máy, mủm mỉm núm vú giả mà chạnh lòng. Đã nhiều lần bị chế giễu, nhưng mãi đến hơn một năm sau cháu mới xa rời cái núm vú giả ấy.
Hiện nay, trong các đơn vị trường học còn đeo đẳng hoặc bám víu những công việc, những qui cách đã quá ư cũ kỹ, lạc hậu, nhưng chưa có cách nào thay thế đành phải ngậm những “núm vú giả”. Đó là chung quanh việc thiết lập hồ sơ thí vụ của “Kiểm tra chất lượng học kỳ” – nói gọn là Thi học kỳ.
Nhớ lại, từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, dù là một Phó Hiệu trưởng chuyên môn cấp hai hay là Hiệu trưởng của một trường phổ thông cơ sở nhỏ bé ở nông thôn với qui mô không đầy mười lớp bậc trung học cơ sở, nhưng tôi vẫn được ngành đề cử làm Phó Chủ tịch hoặc Chủ tịch Hội đồng coi thi phổ thông cơ sở (PTCS), sau đó là trung học cơ sở (THCS). Đặc biệt, tôi còn được tham gia chấm chọn để công nhận danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, thuộc các tổ chuyên môn đã đăng ký Tổ lao động xã hội chủ nghĩa.
Đã nhiều năm lăn lộn làm cán bộ lãnh đạo các hội đồng thi cấp quốc gia, tôi cùng với các anh có kinh nghiệm quản lý trường học trong huyện, tỉnh đề xuất cung cách tổ chức kiểm tra chất lượng học kỳ kiểu “tập trung, đồng loạt, nhưng xáo trộn giữa học sinh các lớp cùng khối” như Thi học kỳ hiện nay. Thấy được những mặt tích cực của công tác nầy, lãnh đạo ngành giáo dục An Giang đã nhân rộng ra và phổ quát thành “qui chế”. Qui chế nghiệp vụ coi thi Kiểm tra chất lượng học kỳ được vận dụng từ Qui chế nghiệp vụ coi thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (sau đó là THCS).
Đầu những năm 2000, xã hội đã phê phán và đề nghị đến Chính phủ bỏ kỳ thi Tốt nghiệp trung học có sở. Như vậy, cùng với nó là Qui chế nghiệp vụ coi thi TN.THCS cũng bị khai tử luôn. Ấy vậy mà trong các trường học THCS cũng tồn tại kỳ thi học kỳ và dĩ nhiên cái Qui chế nghiệp vụ coi thi “bất thành văn ấy” cũng ngoắc ngoải gượng sống cho đến hôm nay. Nhưng khổ nỗi những hồ sơ thủ tục rất ư là rườm ra, phiền toái ấy đã gây vướng víu đến khó chịu biết bao người.
Chẳng hạn, vẫn còn giáo viên coi thi (giám thị - GT) 1, 3 (giám thị hành lang), bỏ giám thị 2, giám thị P.Hội đồng (HĐ), thư ký , P.Chủ tịch và Chủ tịch hội đồng coi thi (HĐCT) hẳn hoi chứ. GT1 quán xuyến phòng thi, phát đề, theo dõi thời gian, … GT3 quản lý “hành lang” một số phòng thi, mang đề đến tận các phòng thi, phát giấy thi bổ sung, … GTHĐ đi lấy số liệu thí sinh từng buổi thi, môn thi, thu nhận bài thi từng khối lớp, …Thư ký ghi biên bản mở phong bì đựng đề thi, …. Nói chung qui trình khá giống kỳ thi quốc gia – TN.THCS trước đây. Toòng tềnh, nhiêu khê lắm, nhưng ngày càng phát lộ tiêu cực và hiệu quả thấp.
Chưa hết, GT1 phải ký tên trong giấy thi và các giám thị còn phải ký tên trong bảng phân công hàng buổi nữa. Ai quên hoặc thiếu một chữ ký xem như mắc phải tội. Buồn cười hơn là khi ký tên trong Biên bản mở đề thi. Sao ta lại bắt chước một cách máy móc đến khiêng cưỡng và ngu xuẩn vậy. Do không hiểu, không nắm vững cơ sở lý luận và thực tiễn của vấn đề. Có khi chứng kiến lại các ấn chỉ, các biểu mẫu do mình tự tạo cách đây hàng chục năm mà muốn dị ứng vì nó tồn tại một cách cường điệu dù đã mất đi vai trò lịch sử.
Không biết đến bao lâu nữa, chúng ta – những nhà mô phạm mới thật sự đoạn tuyệt những trái khoáy như những “núm vú giả” đó. Để học đượng bớt đi những gánh nặng về ngân sách, về công sức và trí tuệ vào những việc chẳng vào đâu ấy.
Đêm đầu Hạ, 18/4/2012. Tambangxanh@gmail.com.

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CHIẾC CẦU TRE


CHIẾC CẦU TRE
*************
          Ai trong chúng tôi – những người ngấp nghé tuổi “lục tuần” và sống quanh đi quẩn lại cái xứ đồng bằng sông Cửu Long nầy đều đã ít nhiều được qua chiếc cầu tre.
          Cầu tre là loại cầu thường bắc qua kênh rạch nhỏ chỉ sử dụng vật liệu toàn bằng thân cây tre. Cá biệt cũng có cây cầu bắc qua sông sâu nước chảy xiết, hai bờ khá xa đến 40, 50 mét. Người ta thường sử dụng tre gai – nhánh tre mọc ra từ những đốt có rất nhiều gai nhọn. Loại tre nầy chịu đựng nắng mưa hoặc côn trùng cắn phá.
          Những cây tre to, ngắn người ta sử dụng làm cọc chéo. Loại dài hơn cho chúng gác nằm dài trên các cọc chéo đó để đi lại. Tre nhỏ, thon dài dùng làm tay vịn. Mỗi thứ có một công dụng riêng. Để bắc được một cây cầu tre qua kênh mương hẹp không cần phải quá nhiều người, mất nhiều thời gian. Chỉ cần 5, 3 người và chỉ cần một buổi “đứng” (quá trưa một lát) là có thể cho ra đời một chiếc cầu tre. Cọc chéo, cầu đi và tay vịn là ba bộ phận quan trọng, quan hệ mật thiết với nhau. Thiếu một trong ba thứ đó thì không gọi là cầu tre lắt lẻo được. Nó lắt lẻo nhưng khó đánh rơi, nếu người đi qua chịu khó và chú ý một chút.
          Bây giờ thì trong văn học cũng như thực tiễn cuộc sống rất hiếm tìm thấy chiếc cầu tre như thế. Mà thay bằng những chiếc cầu sắt, cầu bê tông kiên cố và chắc chắn hơn. Nếu không có dịp đi vào các ngõ ngách xa xôi, trong nông thôn sâu chẳng hạn, thì bọn trẻ hiện tại và sau nầy sẽ không hình dung nỗi chiếc cầu tre lắt lẻo là gì !!!
          Nhờ có đong đưa, lắt lẻo của chiếc cầu tre đã tạo niềm cảm hứng cho các thi nhân để sản sinh những bài thơ bất hũ. Cũng vì tính lắt lẻo, đong đưa ấy đã làm niềm khích lệ cho lũ trẻ tắm sông giữa trưa hè thêm hứng khởi, lôi cuốn. Và cũng vì tính đong đưa, lắt lẻo ấy đã thử thách biết bao chàng trai, cô gái và những kẻ sỉn rượu đi qua.
          Riết rồi thành quen, đã có nhiều lần tôi và nhiều người đi qua cầu mà không cần đến tay vịn nữa. Có những chàng thanh niên, tuấn tú, dẻo dai “nhảy nhúng” khi đi qua cầu như những chàng hề trong rạp xiếc. Họ phô diễn tài năng làm cho những người chung quanh phải thán phục. Lúc bấy giờ hình như tay vịn đã trở thành vướng víu, là vật cản, làm ngán đường làm chậm bước đi của họ.
          Trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong các công sở, người ta cũng tạo ra những “tay vịn”. Tay vịn đó là những qui định, những nguyên tắc được hình thành từ những con người cụ thể hoặc là thông minh, đĩnh đạc hoặc là từ những cái đầu không được minh mẫn nhưng có vi, có cánh, bằng nhiều cách có thể để đưa ra những “tay vịn” đó. Việc đưa ra những “tay vịn” – những nguyên tắc, những qui định ban đầu là rất cần thiết, nhằm làm cho hoạt động, cho guồng máy được chuyển động trơn tru, hoạt bát. Nhưng khi những “tay vịn” – những qui định, những nguyên tắc đã cổ lổ, lạc hậu, … đã xiệu xạo, vướng víu, sẽ trở thành là vật cản, ngăn lối chặn đường thì cũng cần thiết dẹp bỏ, để thay thế bằng những “tay vịn”  - những qui định, những nguyên tắc mới, hiện đại, thích hợp hơn.
          Hiện nay, trong các đơn vị trường học đang manh nha quá nhiều những qui định, những nguyên tắc đã lỗi thời, không còn phù hợp với trình độ của người dạy và kẻ học đang tiến bộ không ngừng. Nhưng chẳng có mấy ai đủ trình độ, năng lực và bản lĩnh để thay đổi những qui định, những nguyên tắc quá ư lạc hậu ấy. Đó là thách thức những người quản lý trường học đương chức. Việc làm đó nếu được, nó sẽ là thước đo sự nỗ lực, sự dấn thân, sự bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Bằng không, nếu cố tình kéo dài thời gian đọa đày bởi những qui định, nguyên tắc khốn kiếp ấy sẽ biến họ thành những tội đồ nguy hiểm nhất hành tinh.
          Thay cho lời kết xin mượn câu nói chí tình của W.HAZLITT :  Những qui tắc bất biến và những khuôn mẫu cứng nhắc hủy diệt cả thiên tài và nghệ thuật.
                                 Khuya 10/4/2012, kỷ niệm 8 năm ngày mất của Sư cụ.
                                                                                            Chieccompa@gmail.com.