Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Mấy điều cần suy ngẫm.

MẤY ĐIỀU CẦN SUY NGẪM.
*****************
          Kể từ những ngày nầy năm ngoái, tôi đã bỏ thói quen viết nhật ký vì bận bịu việc giám sát công trình xây dựng “Bờ kè gia đình” của cha vợ. Tôi đã bắt đầu viết nhật ký từ những ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Gạt bỏ một thói quen đã hình thành trên ba mươi năm lăm là một việc chẳng dễ dàng chút nào.
          Ngoài việc bỏ thói quen viết nhật ký – một thất bại khá lớn, tôi còn phải bị thiệt mất ba, bốn triệu đồng khi không dạy thêm trong hè ‘2011. Tôi có kinh nghiệm dạy thêm từ khá lâu – từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Lúc đó, mỗi ngày tôi dạy (chạy sô) đến 3, 4 điểm học, rải đều trên tuyến lộ từ  Bình Phú – Bình Quới xã Hòa An tới An Thuận – An Thái (Hòa Bình). Nhưng cái đáng tiếc hơn hết là không được truyền đạt những kiến thức – kỹ năng, nhất là những kinh nghiệm “quí báu” trong dạy – học từ bản thân mình.
          Khuya nay, tôi lại có tâm trạng muốn thực hiện lại viết nhật ký. Bắt đầu từ bây giờ.
          Chiều rồi, dù trời mưa, đường sình lầy, trơn trợt, tôi vẫn đến các lớp đã dạy để “phát thưởng” cho những học sinh (HS) có tiến bộ môn toán so với học kỳ I. Tiếc thay, lớp 7A4 sau khi tổng kết xong đã đi ăn liên hoan ở quán “đầu lộ”, chờ đợi mãi vẫn không tập trung đủ - chỉ vài ba em. Tôi dành phần còn lại cho những học sinh nghèo khác. Niềm vui chưa được trọn vẹn, nhưng cũng là một khích lệ, cảm kích trong tôi. Và tôi quài quả ra về để ghé trường Mẫu giáo rước đứa cháu ngoại “đang chạy chương trình văn nghệ” tại đây sau khi hăng hái cùng các thầy giáo chuẩn bị sân lễ cho ngày mai.
          Đêm nay, nằm nghe các cơn mưa ào ào trên mái tol, mà chạnh lòng, tôi cứ lo lắng cho buổi tổng kết và khen thưởng cuối năm của nhà trường. Tôi tưởng tượng, với chừng ấy con người – trên 300 HS Tiến tiến và Giỏi, cộng với gần một trăm cán bộ giáo viên, nhân viên, đại biểu khách dự, thì làm sao hội trường kham nổi. Chưa kể, việc chuyển tải, di dời hệ thống âm thanh và gần một ngàn phần thưởng từ văn phòng đến hội trường cách nhau gần 100 mét thì khó khăn biết nhường nào.
          Sáng nay, nhập nhằng lắm tôi mới đưa xe vượt qua khúc đường sình lầy, trơn trợt trước nhà để chở cháu ngoại đến trường Mẫu giáo ca múa và nhận phần thưởng cuối năm. Sau khi hỏi thăm tình hình công tác Đảng nói chung và việc công nhận 30 tuổi đảng của cô Quyên với Trường Sơn, Nam Việt và khước từ việc dự Lễ tổng kết ở trường Mẫu giáo với cô hiệu trưởng Kim Thảo, thầy Lư, anh út Đừng (Thanh Hà) – BTT.Hội PHHS, tôi đến trường THCS Hòa An.
          Đến đây, toàn thể HS, CB-GV và khách dự đã tập trung đông đủ chuẩn bị vào nội dung buổi lễ. Cuộc đời tôi, ngại nhất là đến cơ quan muộn, lại là buổi lễ Tổng kết quan trọng nầy. Tự thấy bộ dạng mình, chân mang dép lại dính nhiều sình đất, quần áo thì giản đơn. Trong quán, trước cổng trường còn 2 giáo viên nam đang nấn ná ăn sáng, tôi đành bước tạt vào trong uống ly cà phê và gửi hồ sơ vào trường (Phiếu điểm cá nhân, Tờ tự kiểm đảng viên chấp hành điều lệ đảng và Tờ tự kiểm về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- gửi nhờ qua cô Huyền). Còn có nguyên nhân sâu xa không tham dự lễ tổng kết là muốn làm quen, trải nghiệm “sự trống vắng ” bằng cách lẩn tránh sự náo nhiệt của buổi lễ trước khi về hưu.
          Ngồi hồi lâu khi ly cà phê đã cạn, tôi tranh thủ trở lại trường Mẫu giáo tìm cách gần gũi và chở đứa cháu ngoại về nhà. Nhớ lại, chiều qua, cũng trước cổng trường Mẫu giáo, xuýt nữa cháu ngoại đã bị xe tông lúc liến thoắng chạy qua đường khi cô giáo “chạy chương trình xong” cho phép ra về. Nghĩ đến đây tôi đã rợn người với cảnh tượng chiều qua. Đây cũng là một nguyên nhân rất riêng, không phó mặc cháu để vào trường THCS dự lễ.
          Chiều nay, sau khi nghỉ trưa, tôi chạy 1 vòng trong xã tìm đến han hỏi các đứa học trò nghèo, ngoan hiền và học giỏi để động viên và tặng tiền, tập – sách, tạo điều kiện cho chúng học tốt trong hè và năm học tiếp sau. Đó là các cháu : Quốc Yên (lớp 7), Kim Xuân (lớp 8), Ngọc Minh, Minh Mẫn, Thu Hiệp (lớp 9) và Thanh Hiền (lớp 11). Khi đi ngang qua trường, thấy còn nhiều xe gắn máy đậu trong sân, chắc tiệc chưa tàn. Muốn ghé vào chơi, nhưng sợ phá tan không khí vui vẻ, đành ôm tâm sự về nhà với nhiều điều cần suy ngẫm.
Đêm mưa giữa đầu mùa Hạ, ngày 26/5/2012. Tambangden@gmail.com.

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Ai cũng biết, chỉ riêng ... không biết !!!


AI CŨNG BIẾT, CHỈ RIÊNG ……. KHÔNG BIẾT !!!
**********************
          Có rất nhiều chuyện “Ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”. Đó là :
1)-Đã lâu lắm rồi Ban Giám hiệu không tổ chức chấm phúc khảo các bài kiểm tra 1 tiết, bài thi học kỳ, … thì làm sao đánh giá chính xác tay nghề của giáo viên bộ môn (GVBM). Giữa điểm bài thi và điểm ghi vào Sổ Gọi tên ghi điểm (GTGĐ) còn có những khác biệt, thì ai dám bảo rằng những con điểm hiển thị trong hồ sơ giáo vụ là “khách quan, vô tư, công bằng” và trong hồ sơ học vụ và đúng thực chất trình độ học tập của học sinh ?!?!?.
          2)-Vì sao, các điểm kiểm tra (miệng, 15 phút, 1 tiết của một số học sinh (HS) thì rất giỏi (≥9 hoặc ≥9,5, thậm chí =10), nhưng điểm thi học kỳ, có em 6, 7, 8, 9 điểm. Các diện khác cũng tương tự như thế, nghĩa là HS “học ở lớp” là trung bình (TB), nhưng điểm thi thì dưới 3, HS khá thì dưới 5. Lý giải vấn đề nầy như thế nào ? Có phải đó là hậu quả của việc nhận xét – đánh giá quá thoải mái, dễ dãi đến “tự tung, tự tác” của nhiều GVBM chăng ? Và hệ lụy tất yếu là nhiều năm học qua tỉ lệ tuyển sinh lớp 10 thấp, đặc biệt là các bộ môn cơ hữu : Toán, Văn, Anh văn ?!?!?. Cũng may là chỉ có 3 môn thi Toán, Văn, Anh văn. Nếu môn nào “có học thì có thi” thì không biết vấn nạn HS bị điểm 0 (không) ở các môn không cơ hữu có nhiều hay ít !!!.
          3)-Khá lâu rồi Đề thi học kỳ đã “không còn là bí mật” nữa, “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”. Vì các biểu hiện sau :
                   -Đề thi học kỳ đã thông báo rộng rãi trên các email (nếu có) của mỗi GVBM để “tham khảo”,
                   -Ban Giám hiệu đã cử một thành viên “có uy tín” nhận các đề thi bằng USB từ các Tổ trưởng, “format lại”, in ra và photo thành nhiều bản phục vụ các phòng thi. Đâu còn là “của riêng” của người ra đề,
                   -Một bộ phận khá đông GVBM đã vô tình hay hữu ý ôn tập học kỳ theo “đề thi” thay vì đề cương !!!. Việc nầy “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết”.
          Vậy thì cần gì mà phải lập Biên bản kiểm tra bì đựng đề thi trước mỗi lần mở đề !!!.
          4)-Có vài HS số buổi nghỉ học trong năm trên 45 buổi vẫn nghiễm nhiên “lên lớp thẳng”, thì các năm sau chúng cần gì mà phải đi học đều !!!. Động cơ nào mà chúng phấn đấu, “ai cũng biết, chỉ riêng. …..không biết” . Hèn chi, nhiều lắm những HS xem đi học là một “cuộc dạo chơi tùy thích”, nhà trường là một hí trường, để chúng có dịp khẳng định những cá tính của mình, đồng thời thử thách tài giáo dục của thầy, cô giáo bộ môn – chủ nhiệm và bản lĩnh quản lý của Ban giám hiệu nhà trường !!!.
          5)-…
Như vậy,
          *Muốn cho công tác tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm đạt hiệu quả cao, ngoài những giải pháp mang tính căn cơ là đẩy mạnh việc nâng chất hoạt động chuyên môn dạy – học ở mọi lúc, mọi đối tượng HS, tổ chức phụ đạo HS lớp 9 sau xét công nhận TN.THCS có chất lượng, … cần “hạ thấp chỉ tiêu chất lượng bộ môn, trước hết là môn Toán ≥ 60%” thay vì ≥ 85% - cao ngất ngưỡng như hiện nay. Đã vô hình trung biến một ít thầy – cô giáo thành “nhà ảo thuật” bất đắc dĩ. Đáng buồn là họ đã ảo thuật các con điểm, ảo thuật trên “tâm hồn trong sáng” của học trò mình. Bởi, họ đã nhận thức được rằng “họ được cái quyền đó” và dĩ nhiên để dạy HS đạt yêu cầu chất lượng khó khăn hơn nhiều so với dùng chiêu thức “ảo thuật các con điểm”. Trong học đường, không hiếm trường hợp “đánh tráo khái niệm giữa mục tiêu và giải pháp”. Khốn nạn thay, cấp trên đang ủng hộ cung cách làm đó thông qua công tác thi đua – khen thưởng !!!.
          *Hãy nhận thức lại và hành động thiết thực hơn để đoạn tuyệt dần “chủ nghĩa hình thức”, “bệnh thành tích ảo”, “tư tưởng mặc kệ nó”, “thói nín lặng” đến vô cảm đang lây lan như một thứ dịch trong nhà trường ta hiện nay.
Đêm giữa Hạ, 18/5/2012. Tambangden@yahoo.com.vn.