Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Cô và trò


Cô trò trường Mẫu giáo

Ngày phát thưởng cuối năm

Cô và trò trưỡng Mẫu giáo

Tâm sự của tôi



VÌ SAO TÔI KHÔNG ĐĂNG KÝ THI ĐUA?!?!?!.
(Trích bài phát biểu nhân Hội nghị CBVC đầu năm học 2013-2014 của trường)
****************
         .....................
          Để trả lời câu hỏi: “Vì sao tôi không đăng ký thi đua” kể từ đầu năm học rồi, tôi xin mạo muội trình bày mấy lý do cơ bản như sau:
          -Trước hết vẫn là lý do về sức khỏe. Tiền đồ và sự nghiệp giáo dục ở địa phương đã vắt kiệt sức lực và trí não của tôi rồi. Tôi không mong ước gì hơn là được tiếp tục phục vụ trong ngành (gần 4 năm nữa) cho đến tuổi nghỉ hưu với vai trò một giáo viên bộ môn Toán;
          -Chừng như ngày càng có nhiều chỉ tiêu thi đua đã “quá hớp” (vượt khỏi sức chịu đựng) với khả năng và và sức phấn đấu của mình, đang khi trình độ “đầu vào” và chất lượng thật của học sinh thì sa sút dần.
          Tôi đã sớm ý thức được rằng thi đua là một mãng không thể thiếu trong đời khi mới bước chân vào giảng đường Đại học. Nhờ có thi đua mà tôi đã thành sinh viên xuất sắc của trường với phần thưởng dù dăm ba quyển sách nhưng rất có giá trị thời bấy giờ (Thép đã tôi thế đấy, Bài ca sư phạm, Giáo dục con người chân chính như thế nào, Tình bạn vĩ đại và cảm động, …). Nhờ thi đua mà tôi đã quẳng gánh gia đình tham gia xóa dốt tận Ba Thê (Thoại Sơn), Ba Chúc, Tú Tề (Tri Tôn, Tịnh Biên), … trong những năm đầu sau giải phóng. Chính nhờ có thi đua mà tôi “bám trụ” ngành giáo dục cho đến bây giờ sau những năm vật vã với “giá – lương – tiền”, với cuộc sống đầy rẫy những cam go thử thách.
          Trong suốt chặng đường dài – trên 36 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người và những nhiệm vụ vệ tinh chung quanh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể đã trao cho tôi rất nhiều giấy khen, bằng khen và tặng kèm theo tài vật. Giấy khen, Bằng khen của tôi không đủ chỗ để treo nhưng số tiền khen thưởng chỉ mang tính tượng trưng, danh nghĩa giống như bản thân tiền lương lúc đó.
          Chính những Giấy khen, Bằng khen ấy đã tôi luyện, đã hun đúc, đã thắp sáng, đã đốt lên trong tôi ngọn lửa nhiệt thành cách mạng, nung nấu bầu nhiệt huyết với ngành nghề, với đàn học sinh thân yêu qua bao thế hệ. Nhưng có một số Giấy khen, Bằng khen đã làm cho tôi bị hụt hẫng, bị choáng ngợp, bị sa ngã, … để rồi chính nó đã thui chột tình nghĩa thầy – trò, đã thiêu rụi tinh thần trách nhiệm, làm tàn lụi dần lương tâm cao cả của một nhà giáo chân chính.
          Nhớ lại, khi được cấp trên cho miễn nhiệm hiệu trưởng – năm học 2003-2004, tỉ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình do tôi phụ trách chỉ xấp xỉ 62%. Vài ba năm học sau, tỉ số nầy có nhỉnh lên đôi chút. Nhưng không phải vì chất lượng thật trong học sinh chuyển biến theo hướng tích cực mà do sự tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá của người thầy.
          Cho đến khi, tôi không chịu nổi những lời chanh chua, chì chiết của Ban Giám hiệu, những câu dè biểu của đồng nghiệp chung quanh, nhất là sự tỉ tê, to nhỏ của các thành viên trong tổ: “Thầy không nghỉ (quyền lợi) của thầy, thầy cũng nên suy nghĩ cho tập thể anh em trong tổ”. Từ đó, tôi đã hóa thân thành một “nhà phù thủy” khá thành công. Nhưng khốn nạn và tàn nhẫn là tôi đã phù phép trên những tâm hồn trẻ thơ, non dại của học trò thân yêu của mình. Lẽ ra, chúng không nên truyền tải, tiếp nhận những “mưu ma, chước quỉ” đó.
          Những tháng đầu sau khai giảng hoặc trước khi kết thúc năm học, tôi vẫn vậy – vẫn nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khoa học, vô tư và công bằng, có chú ý đến đối tượng học sinh.  Nhưng, để thống kê, báo cáo chất lượng dạy – học ở học kỳ I “tạm coi cho được”, “không kém em thua chị bao nhiêu”, tôi đã miễn cưỡng “ma thuật” các con điểm cho nhiều học sinh xét thấy có điều kiện. (Đây là một khoảng trống khá sâu và rộng trong công tác quản lý chuyên môn của trường ta mà đã có nhiều giáo viên lợi dụng sơ hở đó). Bởi dù có tăng cường tối đa số lượt kiểm tra cho mỗi đối tượng, song vẫn không thoát khỏi cảm tính. Vậy là từ 60% học sinh có điểm trên trung bình đã dần dà lên 65 rồi 70, 75%. Gần tới sơ kết học kỳ II và tổng kết cả năm tôi cũng tiếp tục chiêu bài ấy. Nhưng tỉ số phải tiệm cận với chỉ tiêu của trường hoặc chí ít là đứng trong tốp 4, tốp 3 để dành lấy một suất Lao động tiên tiến của Tổ.
          Thật không ngoa: “ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Ban đầu thì lương tâm cắn rứt và dằn vặt lắm. Nhưng lâu dần thành cố thật, thoát ly hoặc đoạn tuyệt nó thì không dễ dàng. Tuy nhiên, sau mỗi lần Tổ trưởng xướng tên: “Thầy Út có tỉ lệ học sinh trên trung bình nằm ở thứ hạng 2, 3” là tôi xấu hỗ đến thừ người ra, không biết chỗ đâu mà chui rút.
          Thôi, hãy để tôi tự tìm về hiện thực cuộc sống với đầy ấp tình người, chan hòa yêu thương chân thật mà làm thật tốt thiêng chức của một người thầy đúng nghĩa. Để mai sau, khi có dịp gặp lại các thế hệ học trò, tôi khỏi phải cúi đầu hỗ thẹn khi trước đây tôi có lúc đã làm nhà phù thủy.
          Kính chúc sức khỏe quí thầy cô. 
                    Đêm giữa Thu, 15/9/2013. Nhungnutthathocduong@gmail.com 

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Cái "đầu tóc"



CÁI “ĐẦU TÓC’
************
            Tôi nhớ lại, năm đầu tiên mới làm hiệu trưởng của một trường phổ thông cơ sở (có hai cấp học: I và II). Một buổi chiều cuối Thu-1988, tôi đến chơi nhà anh ba Ch. – thầy giáo tạm tuyển kiêm kế toán của trường. Anh tiếp tôi rất niềm nở và trân trọng. Khi hỏi thăm chị nhà – chị ba đi đâu vắng, anh ba bật cười nắc nẻ nhưng có chút ngượng nghịu. Cười nắc nẻ vì không sao nhịn được còn ngượng nghịu vì liên quan vấn đề riêng tư khá tế nhị. Giây lâu, anh thốt lên: “Bả đi uốn tóc”. Anh ba cũng không kềm được và tiện miệng nói: “Bả ghen đấy mà” và nói tiếp “Ông cũng biết, tôi đâu phải mê chỗ đó (ý nói đầu tóc) mà là chỗ khác cơ”.
            Thì ra, một hai năm gần đây, khi được hợp đồng giảng dạy các lớp cấp một và mới đây là kiêm nhiệm kế toán, anh ba thường xuyên đi sớm về tối để liên hệ công tác tài chính với Phòng Giáo dục, với Kho bạc huyện, giao phó công việc mua bán lặt vặt như gia vị, trái cây, … cho vợ con. Chị ba thì đầu tắt, mặt tối lo chạy vạy cái ăn, cái mặc cho bốn năm miệng ăn và quần áo, sách vở cho lũ nhóc nhỏ đang trong tuổi đến trường. Chị ba là “phụ nữ Bắc kỳ” mà, lam lũ lắm, tất tả lắm. Ống quần to phình, nhiều ngày không là ủi, nhăn nhúm lại. Áo thì xốc xếch, cũ mèm, ôm lấy cái thân “nhiều da hơn thịt” của chị, chỉ có hai cái túi thì xộc xệch những đồng tiền lẻ, mang sẵn bên mình để dễ bề phồi thối. Đầu tóc thì quanh năm suốt tháng chẳng mảy may chải gở, chị chỉ bới vội “một cục” sau gáy cho đúng “thủ tục”. Chị chưa qua cái tuổi bốn mươi mà xem chừng như đã ngoài sáu chục.
            Ngược lại với chị, anh ba thì ăn diện bãnh bao hơn, quần áo mượt mà thẳng tấp, đầu tóc luôn tay chải chuốt - rẻ đường ngôi ngay ngắn, … bên chiếc xe đạp “toàn là nhôm du-ra” đắt tiền, mỗi khi bước ra đường. Thỉnh thoảng còn bắt gặp anh đứng đâu đó cười nói chuyện huyên thuyên, vui vẻ với cô nầy, bà nọ, nhất là những nữ phụ huynh học sinh góa bụa. Có thể vì thế mà chiều nay, chị ba đã giao sạp trái cây cho đứa con gái lớn, quên bẳng việc “thu nhặt tiền nong” để lo đi “làm đẹp”.
            Trao đổi với anh ba mươi phút thì chị ba về. Chị mắc cở, e thẹn, nhanh nhẹn chào khách rồi lẻn nhanh vào nhà trong, tôi lén nhìn chị từ phía sau. Lúc nầy anh ba, mặt đỏ như gấc, vừa xấu hổ với tôi, vừa bực bội cho cách làm chẳng giống ai của vợ mình. Thì ra, mái tóc uốn cuộn ngắn lên đen nhánh không che hết chiếc áo nhũn lưng, nhăn nhúm đang phô diễn các “đường cong” của xương sườn và chiếc quần ống rộng thùng thình bị thời gian nhuộm màu vàng bạc đưa ra khúc cẳng – mắt cá – ngón chân đen đủi, sần sụi. Có lẽ, trong thâm tâm anh ba lúc bấy giờ muốn “tặng không cho bất kỳ ai đó cái sản phẩm trời cho ấy” mà không đòi ở họ một xu nào – còn rẻ hơn cả trái đu đủ héo nằm sóng xoài trên sạp kia.
            Thấy chuyện người ngày xưa mới nhớ đến chuyện mình ngày nay. Nhiều người cứ nghĩ rằng: “Nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh trong các nhà trường phổ thông hiện nay là ở chỗ:
            -Phải giao nộp hồ sơ sổ sách (HSSS) đúng hạn cho Tổ trưởng, Hiệu phó chuyên môn “ký duyệt” cho dù họ chỉ “ký” chứ không “duyệt”;
            -Trong giáo án phải ghi rõ ngày dạy, thời gian cho mỗi hoạt động, mỗi bước lên lớp, cho dù có mấy ai “xem giáo án để dạy” bao giờ;
            -Trong các sổ : Dự giờ và các trang cuối của sổ Gọi tên ghi điểm (GTGĐ), Đầu bài, …phải có đầy đủ các chữ ký tương ứng của các đối tượng ?!!!;
            -Có ghi “ký mượn” đồ dùng dạy học (ĐDDH), đăng ký đủ 2 tiết ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT)/học kỳ, …”

            Chị ba kính mến ơi: “Ngày nào chị chỉ quan tâm đến “cái đầu” mà quên đi “cái đít” thì ngày đó chị không giữ được chồng”. Và các thầy – cô giáo ơi: “Ngày nào chúng ta còn sa đà vào những cái vặt vãnh gọi là “chuyện mòn” (đọc nhại từ chuyên môn, hay dùng) ấy thì ngày đó học sinh đã vào trong lớp nhưng vẫn còn đang ở ngoài trường”.

Đêm cuối Thu-10/10/2013. Nhungtraikhoayhocduong@gnail.com