Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Tiếng trống trường


TIẾNG TRỐNG TRƯỜNG.
**************
          Chắc chắn mỗi chúng ta đều không lạ lẫm gì về tiếng trống trường. Có khi tiếng trống trường đã hòa vào nhịp đập của trái tim ta, mỗi khi chúng ta nhớ về mái trường xưa – nơi mà chúng ta đặt bước chân đầu đời vào  để “học hỏi và tập tành những con chữ A, B, vở lòng”.
          Tiếng trống trường vang lên để thúc giục học sinh khẩn trương đến trường, vào lớp ngồi chờ giáo viên đến giảng dạy. Đồng thời với đó là đội ngủ cán bộ, nhân viên cũng tất bật ổn định nhanh nơi khu vực hành chánh của mình để mà quản lý, phục vụ.
          Ngày nay, khi mà mỗi học sinh, mỗi thầy cô giáo đều đã trang bị đồng hồ (riêng biệt hay tích ứng vào các điện thoại di động), và mỗi người đều có sẵn lập trình giờ giấc. Nên họ đến trường lúc nào, ra về ra sao thì hình như tự họ định đoạt. Tiếng trống trường chỉ còn là hiệu lệnh mang tính thông báo thời điểm khởi đầu và kết thúc một tiết dạy – học. Bởi các thành viên Ban Giám hiệu và nhân viên nhà trường đã qui ước – thỏa thuận ngầm với nhau là họ chỉ đến trường từ 7 giờ 30 sáng và 13 giờ 30 chiều. Đến trường từ giờ phút ấy, đồng nghĩa với việc đừng ai xử lý hoặc suy bì khi họ không đến trước giờ khắc thiêng liêng đó. Còn họ có vào ngay công việc mà họ phụ trách hay không lại là chuyện khác. Vì trong trường đã có Căn tin phục vụ thức ăn, nước uống. Trong phòng làm việc có cài đặt sẵn game, internet mà. Chưa kể, “giờ tan sở” của họ thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chỉ có trời mới quản lý, mới biết họ ra về từ lúc nào. Có thể, sau năm 2000, số lượng người ở văn phòng trường khá nhiều : 03 thành viên Ban Giám hiệu, 1 kế toán, 1 thủ quĩ, 1 giáo vụ (có cả cán bộ thiết bị, Thư viện, nhân viên bảo vệ, tạp vụ nữa). Nhưng có nhiều buổi trong gờ hành chánh, văn phòng vắng ngắt đến lạ thường ?!?!?! cho dù đèn vẫn bật sáng choang và các chiếc quạt vẫn thản nhiên chạy soành soạch. Vì thế, đang dấy lên phong trào “khoái làm Ban Giám hiệu hoặc nhân viên hơn giáo viên dạy lớp”.
          Nhà trường qui định học sinh đến lớp trước 6 giờ 30 sáng và 12 giờ 30 trưa để truy bài đầu buổi. Và giáo viên chủ nhiệm (GVCN) có tiết đầu phải vào lớp từ lúc ấy để ổn định, nắm tình hình và theo dõi sĩ số từng buổi của học sinh. Nhưng đâu phải buổi nào GVCN cũng có tiết dạy. Lúc bấy giờ ai quản lý học sinh ? Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn à . Cả hai ông nầy cũng có những cảnh tình riêng, đâu khác gì những GVCN. Nên hiện tượng gây gổ, hỗn loạn ở một số ít trước hành lang, trong phòng học là không thể tránh được. Và bệnh gây rối, mất trật tự là một thứ “dịch học đường”, nó dễ dàng lây lan các lớp bên cạnh.
Mấy năm gần đây, tiếng trống trường sao mà nó giống với “tiếng kẻng trong các hợp tác xã nông nghiệp” thời bao cấp quá. Bởi, khi nghe tiếng trống thì hình như nhiều GVBM không còn lòng dạ nào mà giảng dạy thêm một điều gì nữa, cho dù những điều đó là rất cần thiết cho học sinh. Ngay cả tiết thao giảng, minh họa cũng thế. Đã tổ chức thành một tiết dạy – học riêng, có mục đích và ý tưởng riêng, nhưng mỗi khi tiếng trống trường vang lên thì thầy – trò và ngay cả người dự chẳng tha thiết đến điều gì nữa ngoài việc thu xếp nhanh chóng để giải thoát ra khỏi tiết dạy – học.
Riết rồi thành quen, người đánh trống được mặc định như là người “giữ nhịp cho việc thực hiện phân phối chương trình bộ môn”. Có người mong ngóng được nghe tiếng trống, vì nếu trễ hơn sẽ vô tình hay cố ý kéo dài thêm sự tù túng, đọa đày giữa thầy và trò trong những tiết dạy – học “ vô hồn”. Có kẻ lại lo sợ tiếng trống đến sớm hơn sẽ làm tan vở, gãy đổ những mong muốn, những khát khao, những ước vọng lẽ ra phải được thầy cô giáo rót hết vào tai, vào đầu óc hồn nhiên, trong sáng của học sinh thân yêu qua những tiết dạy – học rất “tình người”. Đôi lúc họ nghĩ, tiếng trống trường vô tình là một áp lực, một nỗi ám ảnh, là một trở lực cản ngăn “việc tìm đến nhau” giữa người đi trước và kẻ đi sau.
Xin ai đó, hãy cảm nhận được tâm trạng của nhiều thầy cô trên bục giảng hiện nay, khi mà họ đã phải cam chịu quá nhiều áp lực.  Để âm thinh tiếng trống trường đồng thuận, hòa quyện vào nhịp đập của những con tim luôn thiết tha về một ngôi trường chứa chan tin yêu và tình cảm. Để tiếng trống trường không còn lạc điệu, vô cảm như thời gian qua nữa.
                               Đêm đầu Xuân, 12/01/2012. Tambangxanh@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét