Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Cái "đầu tóc"



CÁI “ĐẦU TÓC’
************
            Tôi nhớ lại, năm đầu tiên mới làm hiệu trưởng của một trường phổ thông cơ sở (có hai cấp học: I và II). Một buổi chiều cuối Thu-1988, tôi đến chơi nhà anh ba Ch. – thầy giáo tạm tuyển kiêm kế toán của trường. Anh tiếp tôi rất niềm nở và trân trọng. Khi hỏi thăm chị nhà – chị ba đi đâu vắng, anh ba bật cười nắc nẻ nhưng có chút ngượng nghịu. Cười nắc nẻ vì không sao nhịn được còn ngượng nghịu vì liên quan vấn đề riêng tư khá tế nhị. Giây lâu, anh thốt lên: “Bả đi uốn tóc”. Anh ba cũng không kềm được và tiện miệng nói: “Bả ghen đấy mà” và nói tiếp “Ông cũng biết, tôi đâu phải mê chỗ đó (ý nói đầu tóc) mà là chỗ khác cơ”.
            Thì ra, một hai năm gần đây, khi được hợp đồng giảng dạy các lớp cấp một và mới đây là kiêm nhiệm kế toán, anh ba thường xuyên đi sớm về tối để liên hệ công tác tài chính với Phòng Giáo dục, với Kho bạc huyện, giao phó công việc mua bán lặt vặt như gia vị, trái cây, … cho vợ con. Chị ba thì đầu tắt, mặt tối lo chạy vạy cái ăn, cái mặc cho bốn năm miệng ăn và quần áo, sách vở cho lũ nhóc nhỏ đang trong tuổi đến trường. Chị ba là “phụ nữ Bắc kỳ” mà, lam lũ lắm, tất tả lắm. Ống quần to phình, nhiều ngày không là ủi, nhăn nhúm lại. Áo thì xốc xếch, cũ mèm, ôm lấy cái thân “nhiều da hơn thịt” của chị, chỉ có hai cái túi thì xộc xệch những đồng tiền lẻ, mang sẵn bên mình để dễ bề phồi thối. Đầu tóc thì quanh năm suốt tháng chẳng mảy may chải gở, chị chỉ bới vội “một cục” sau gáy cho đúng “thủ tục”. Chị chưa qua cái tuổi bốn mươi mà xem chừng như đã ngoài sáu chục.
            Ngược lại với chị, anh ba thì ăn diện bãnh bao hơn, quần áo mượt mà thẳng tấp, đầu tóc luôn tay chải chuốt - rẻ đường ngôi ngay ngắn, … bên chiếc xe đạp “toàn là nhôm du-ra” đắt tiền, mỗi khi bước ra đường. Thỉnh thoảng còn bắt gặp anh đứng đâu đó cười nói chuyện huyên thuyên, vui vẻ với cô nầy, bà nọ, nhất là những nữ phụ huynh học sinh góa bụa. Có thể vì thế mà chiều nay, chị ba đã giao sạp trái cây cho đứa con gái lớn, quên bẳng việc “thu nhặt tiền nong” để lo đi “làm đẹp”.
            Trao đổi với anh ba mươi phút thì chị ba về. Chị mắc cở, e thẹn, nhanh nhẹn chào khách rồi lẻn nhanh vào nhà trong, tôi lén nhìn chị từ phía sau. Lúc nầy anh ba, mặt đỏ như gấc, vừa xấu hổ với tôi, vừa bực bội cho cách làm chẳng giống ai của vợ mình. Thì ra, mái tóc uốn cuộn ngắn lên đen nhánh không che hết chiếc áo nhũn lưng, nhăn nhúm đang phô diễn các “đường cong” của xương sườn và chiếc quần ống rộng thùng thình bị thời gian nhuộm màu vàng bạc đưa ra khúc cẳng – mắt cá – ngón chân đen đủi, sần sụi. Có lẽ, trong thâm tâm anh ba lúc bấy giờ muốn “tặng không cho bất kỳ ai đó cái sản phẩm trời cho ấy” mà không đòi ở họ một xu nào – còn rẻ hơn cả trái đu đủ héo nằm sóng xoài trên sạp kia.
            Thấy chuyện người ngày xưa mới nhớ đến chuyện mình ngày nay. Nhiều người cứ nghĩ rằng: “Nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh trong các nhà trường phổ thông hiện nay là ở chỗ:
            -Phải giao nộp hồ sơ sổ sách (HSSS) đúng hạn cho Tổ trưởng, Hiệu phó chuyên môn “ký duyệt” cho dù họ chỉ “ký” chứ không “duyệt”;
            -Trong giáo án phải ghi rõ ngày dạy, thời gian cho mỗi hoạt động, mỗi bước lên lớp, cho dù có mấy ai “xem giáo án để dạy” bao giờ;
            -Trong các sổ : Dự giờ và các trang cuối của sổ Gọi tên ghi điểm (GTGĐ), Đầu bài, …phải có đầy đủ các chữ ký tương ứng của các đối tượng ?!!!;
            -Có ghi “ký mượn” đồ dùng dạy học (ĐDDH), đăng ký đủ 2 tiết ứng dụng công nghệ thông tin (ƯDCNTT)/học kỳ, …”

            Chị ba kính mến ơi: “Ngày nào chị chỉ quan tâm đến “cái đầu” mà quên đi “cái đít” thì ngày đó chị không giữ được chồng”. Và các thầy – cô giáo ơi: “Ngày nào chúng ta còn sa đà vào những cái vặt vãnh gọi là “chuyện mòn” (đọc nhại từ chuyên môn, hay dùng) ấy thì ngày đó học sinh đã vào trong lớp nhưng vẫn còn đang ở ngoài trường”.

Đêm cuối Thu-10/10/2013. Nhungtraikhoayhocduong@gnail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét