Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Tâm sự của tôi



VÌ SAO TÔI KHÔNG ĐĂNG KÝ THI ĐUA?!?!?!.
(Trích bài phát biểu nhân Hội nghị CBVC đầu năm học 2013-2014 của trường)
****************
         .....................
          Để trả lời câu hỏi: “Vì sao tôi không đăng ký thi đua” kể từ đầu năm học rồi, tôi xin mạo muội trình bày mấy lý do cơ bản như sau:
          -Trước hết vẫn là lý do về sức khỏe. Tiền đồ và sự nghiệp giáo dục ở địa phương đã vắt kiệt sức lực và trí não của tôi rồi. Tôi không mong ước gì hơn là được tiếp tục phục vụ trong ngành (gần 4 năm nữa) cho đến tuổi nghỉ hưu với vai trò một giáo viên bộ môn Toán;
          -Chừng như ngày càng có nhiều chỉ tiêu thi đua đã “quá hớp” (vượt khỏi sức chịu đựng) với khả năng và và sức phấn đấu của mình, đang khi trình độ “đầu vào” và chất lượng thật của học sinh thì sa sút dần.
          Tôi đã sớm ý thức được rằng thi đua là một mãng không thể thiếu trong đời khi mới bước chân vào giảng đường Đại học. Nhờ có thi đua mà tôi đã thành sinh viên xuất sắc của trường với phần thưởng dù dăm ba quyển sách nhưng rất có giá trị thời bấy giờ (Thép đã tôi thế đấy, Bài ca sư phạm, Giáo dục con người chân chính như thế nào, Tình bạn vĩ đại và cảm động, …). Nhờ thi đua mà tôi đã quẳng gánh gia đình tham gia xóa dốt tận Ba Thê (Thoại Sơn), Ba Chúc, Tú Tề (Tri Tôn, Tịnh Biên), … trong những năm đầu sau giải phóng. Chính nhờ có thi đua mà tôi “bám trụ” ngành giáo dục cho đến bây giờ sau những năm vật vã với “giá – lương – tiền”, với cuộc sống đầy rẫy những cam go thử thách.
          Trong suốt chặng đường dài – trên 36 năm cống hiến cho sự nghiệp trồng người và những nhiệm vụ vệ tinh chung quanh, Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể đã trao cho tôi rất nhiều giấy khen, bằng khen và tặng kèm theo tài vật. Giấy khen, Bằng khen của tôi không đủ chỗ để treo nhưng số tiền khen thưởng chỉ mang tính tượng trưng, danh nghĩa giống như bản thân tiền lương lúc đó.
          Chính những Giấy khen, Bằng khen ấy đã tôi luyện, đã hun đúc, đã thắp sáng, đã đốt lên trong tôi ngọn lửa nhiệt thành cách mạng, nung nấu bầu nhiệt huyết với ngành nghề, với đàn học sinh thân yêu qua bao thế hệ. Nhưng có một số Giấy khen, Bằng khen đã làm cho tôi bị hụt hẫng, bị choáng ngợp, bị sa ngã, … để rồi chính nó đã thui chột tình nghĩa thầy – trò, đã thiêu rụi tinh thần trách nhiệm, làm tàn lụi dần lương tâm cao cả của một nhà giáo chân chính.
          Nhớ lại, khi được cấp trên cho miễn nhiệm hiệu trưởng – năm học 2003-2004, tỉ lệ học sinh đạt điểm trên trung bình do tôi phụ trách chỉ xấp xỉ 62%. Vài ba năm học sau, tỉ số nầy có nhỉnh lên đôi chút. Nhưng không phải vì chất lượng thật trong học sinh chuyển biến theo hướng tích cực mà do sự tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá của người thầy.
          Cho đến khi, tôi không chịu nổi những lời chanh chua, chì chiết của Ban Giám hiệu, những câu dè biểu của đồng nghiệp chung quanh, nhất là sự tỉ tê, to nhỏ của các thành viên trong tổ: “Thầy không nghỉ (quyền lợi) của thầy, thầy cũng nên suy nghĩ cho tập thể anh em trong tổ”. Từ đó, tôi đã hóa thân thành một “nhà phù thủy” khá thành công. Nhưng khốn nạn và tàn nhẫn là tôi đã phù phép trên những tâm hồn trẻ thơ, non dại của học trò thân yêu của mình. Lẽ ra, chúng không nên truyền tải, tiếp nhận những “mưu ma, chước quỉ” đó.
          Những tháng đầu sau khai giảng hoặc trước khi kết thúc năm học, tôi vẫn vậy – vẫn nghiêm túc trong kiểm tra, đánh giá học sinh một cách khoa học, vô tư và công bằng, có chú ý đến đối tượng học sinh.  Nhưng, để thống kê, báo cáo chất lượng dạy – học ở học kỳ I “tạm coi cho được”, “không kém em thua chị bao nhiêu”, tôi đã miễn cưỡng “ma thuật” các con điểm cho nhiều học sinh xét thấy có điều kiện. (Đây là một khoảng trống khá sâu và rộng trong công tác quản lý chuyên môn của trường ta mà đã có nhiều giáo viên lợi dụng sơ hở đó). Bởi dù có tăng cường tối đa số lượt kiểm tra cho mỗi đối tượng, song vẫn không thoát khỏi cảm tính. Vậy là từ 60% học sinh có điểm trên trung bình đã dần dà lên 65 rồi 70, 75%. Gần tới sơ kết học kỳ II và tổng kết cả năm tôi cũng tiếp tục chiêu bài ấy. Nhưng tỉ số phải tiệm cận với chỉ tiêu của trường hoặc chí ít là đứng trong tốp 4, tốp 3 để dành lấy một suất Lao động tiên tiến của Tổ.
          Thật không ngoa: “ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt”. Ban đầu thì lương tâm cắn rứt và dằn vặt lắm. Nhưng lâu dần thành cố thật, thoát ly hoặc đoạn tuyệt nó thì không dễ dàng. Tuy nhiên, sau mỗi lần Tổ trưởng xướng tên: “Thầy Út có tỉ lệ học sinh trên trung bình nằm ở thứ hạng 2, 3” là tôi xấu hỗ đến thừ người ra, không biết chỗ đâu mà chui rút.
          Thôi, hãy để tôi tự tìm về hiện thực cuộc sống với đầy ấp tình người, chan hòa yêu thương chân thật mà làm thật tốt thiêng chức của một người thầy đúng nghĩa. Để mai sau, khi có dịp gặp lại các thế hệ học trò, tôi khỏi phải cúi đầu hỗ thẹn khi trước đây tôi có lúc đã làm nhà phù thủy.
          Kính chúc sức khỏe quí thầy cô. 
                    Đêm giữa Thu, 15/9/2013. Nhungnutthathocduong@gmail.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét