Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

CHIẾC CẦU TRE


CHIẾC CẦU TRE
*************
          Ai trong chúng tôi – những người ngấp nghé tuổi “lục tuần” và sống quanh đi quẩn lại cái xứ đồng bằng sông Cửu Long nầy đều đã ít nhiều được qua chiếc cầu tre.
          Cầu tre là loại cầu thường bắc qua kênh rạch nhỏ chỉ sử dụng vật liệu toàn bằng thân cây tre. Cá biệt cũng có cây cầu bắc qua sông sâu nước chảy xiết, hai bờ khá xa đến 40, 50 mét. Người ta thường sử dụng tre gai – nhánh tre mọc ra từ những đốt có rất nhiều gai nhọn. Loại tre nầy chịu đựng nắng mưa hoặc côn trùng cắn phá.
          Những cây tre to, ngắn người ta sử dụng làm cọc chéo. Loại dài hơn cho chúng gác nằm dài trên các cọc chéo đó để đi lại. Tre nhỏ, thon dài dùng làm tay vịn. Mỗi thứ có một công dụng riêng. Để bắc được một cây cầu tre qua kênh mương hẹp không cần phải quá nhiều người, mất nhiều thời gian. Chỉ cần 5, 3 người và chỉ cần một buổi “đứng” (quá trưa một lát) là có thể cho ra đời một chiếc cầu tre. Cọc chéo, cầu đi và tay vịn là ba bộ phận quan trọng, quan hệ mật thiết với nhau. Thiếu một trong ba thứ đó thì không gọi là cầu tre lắt lẻo được. Nó lắt lẻo nhưng khó đánh rơi, nếu người đi qua chịu khó và chú ý một chút.
          Bây giờ thì trong văn học cũng như thực tiễn cuộc sống rất hiếm tìm thấy chiếc cầu tre như thế. Mà thay bằng những chiếc cầu sắt, cầu bê tông kiên cố và chắc chắn hơn. Nếu không có dịp đi vào các ngõ ngách xa xôi, trong nông thôn sâu chẳng hạn, thì bọn trẻ hiện tại và sau nầy sẽ không hình dung nỗi chiếc cầu tre lắt lẻo là gì !!!
          Nhờ có đong đưa, lắt lẻo của chiếc cầu tre đã tạo niềm cảm hứng cho các thi nhân để sản sinh những bài thơ bất hũ. Cũng vì tính lắt lẻo, đong đưa ấy đã làm niềm khích lệ cho lũ trẻ tắm sông giữa trưa hè thêm hứng khởi, lôi cuốn. Và cũng vì tính đong đưa, lắt lẻo ấy đã thử thách biết bao chàng trai, cô gái và những kẻ sỉn rượu đi qua.
          Riết rồi thành quen, đã có nhiều lần tôi và nhiều người đi qua cầu mà không cần đến tay vịn nữa. Có những chàng thanh niên, tuấn tú, dẻo dai “nhảy nhúng” khi đi qua cầu như những chàng hề trong rạp xiếc. Họ phô diễn tài năng làm cho những người chung quanh phải thán phục. Lúc bấy giờ hình như tay vịn đã trở thành vướng víu, là vật cản, làm ngán đường làm chậm bước đi của họ.
          Trong cuộc sống thường nhật, nhất là trong các công sở, người ta cũng tạo ra những “tay vịn”. Tay vịn đó là những qui định, những nguyên tắc được hình thành từ những con người cụ thể hoặc là thông minh, đĩnh đạc hoặc là từ những cái đầu không được minh mẫn nhưng có vi, có cánh, bằng nhiều cách có thể để đưa ra những “tay vịn” đó. Việc đưa ra những “tay vịn” – những nguyên tắc, những qui định ban đầu là rất cần thiết, nhằm làm cho hoạt động, cho guồng máy được chuyển động trơn tru, hoạt bát. Nhưng khi những “tay vịn” – những qui định, những nguyên tắc đã cổ lổ, lạc hậu, … đã xiệu xạo, vướng víu, sẽ trở thành là vật cản, ngăn lối chặn đường thì cũng cần thiết dẹp bỏ, để thay thế bằng những “tay vịn”  - những qui định, những nguyên tắc mới, hiện đại, thích hợp hơn.
          Hiện nay, trong các đơn vị trường học đang manh nha quá nhiều những qui định, những nguyên tắc đã lỗi thời, không còn phù hợp với trình độ của người dạy và kẻ học đang tiến bộ không ngừng. Nhưng chẳng có mấy ai đủ trình độ, năng lực và bản lĩnh để thay đổi những qui định, những nguyên tắc quá ư lạc hậu ấy. Đó là thách thức những người quản lý trường học đương chức. Việc làm đó nếu được, nó sẽ là thước đo sự nỗ lực, sự dấn thân, sự bản lĩnh của người cán bộ quản lý. Bằng không, nếu cố tình kéo dài thời gian đọa đày bởi những qui định, nguyên tắc khốn kiếp ấy sẽ biến họ thành những tội đồ nguy hiểm nhất hành tinh.
          Thay cho lời kết xin mượn câu nói chí tình của W.HAZLITT :  Những qui tắc bất biến và những khuôn mẫu cứng nhắc hủy diệt cả thiên tài và nghệ thuật.
                                 Khuya 10/4/2012, kỷ niệm 8 năm ngày mất của Sư cụ.
                                                                                            Chieccompa@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét