Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Cho thầy xin lỗi các em !!!


CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!!
******************
          Năm học 2011-2012 nầy có thể là lần đầu và cũng là lần cuối thầy quyết định không đăng ký thi đua do nhà trường phát động. Bởi hơn ba mươi năm lăm lăn lộn trong học đường, có 23 năm làm cán bộ quản lý, chỉ có 12 năm trực tiếp giảng dạy. Nhưng 12 năm trực tiếp giảng dạy ấy thì có đến 8 năm thầy chưa thực hiện chức năng thiêng liêng do xã hội, nhân dân giao phó – vai trò, trách nhiệm của một thầy giáo chân chính, thầy giáo đúng nghĩa.
          Hơn 23 năm làm cán bộ quản lý trường học. Bao gồm 8 năm làm phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn dạy – học cấp hai và 15 năm làm hiệu trưởng. Trong suốt thời gian nầy, thầy không làm một việc gì sai trái để lương tâm phải cắn rứt, dày vò, hối tiếc. Chỉ có điều tiếc nuối là chưa thể cống hiến nhiều hơn, phục vụ nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục ở địa phương mình với tư cách là một cán bộ quản lý trường học. Bởi sức khỏe đã giảm sút nhanh do chế độ học hành “bán xác” ngày xưa và sự tận tụy, đầu tư tâm sức, trí tuệ cho sự phát triển của nhà trường bây giờ. Cố nhiên, còn có ít nhất một nguyên nhân cơ bản khác, là “không muốn trở thành hình nộm – rô bốt biết nói trước những mưu mô, toan tính của những người có quyền lực hơn”.
          Sở dĩ nói rằng 8 trong 12 năm giảng dạy chưa thực hiện đầy đủ chức năng, vai trò, trách nhiệm thiêng liêng của một nhà giáo chân chính, đúng nghĩa là vì “áp lực của công tác thi đua”. Chính thi đua đã làm nhụt chí, thui chột phần nào sự đấu tranh “nổi tiếng” là kiên quyết của thầy trước những tình huống trái khoáy, phi giáo dục, vi phạm nhân văn đã xảy ra. Vì các tiêu chí thi đua mà thầy đã “nhắm mắt” tự đánh lừa mình và đánh lừa cả với học sinh thân yêu của mình. Bằng cách cam tâm “thay đổi các con điểm để coi cho được”, để có một tỉ lệ trên trung bình, lên lớp,… có thể chấp nhận được, ít nhất là không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của tổ chuyên, của nhà trường. Còn và còn nhiều việc “trái lòng” nữa. Từ đó, hàng năm đã vô tình hay hữu ý bổ sung một lượng HS ngồi nhầm lớp vào cái đội quân đáng nguyền rủa nầy. Biết rằng đó là “gậy ông đập lưng ông” nhưng không cưỡng lại được. Nó là gánh nặng, là tai ách ngay cho bản thân mình và đồng nghiệp mà không có phương cách nào thông minh để thoái thoát. Vì sự nghiệp trồng người là sự nghiệp trăm năm và mỗi thầy – cô giáo phải lặn ngụp trong cái biển học đường ít nhất đôi ba chục năm !?!?.
          Từ đầu năm học 2011-2012 cứ những tưởng thầy sẽ không vướng víu bởi những vòng vây nghiệt ngã ấy để làm hết vai trò, trách nhiệm và chức năng thiêng liêng của mình. Nào ngờ, đến những “bước đi cuối cùng” trong năm học 2011-2012 nầy, thầy vẫn vấp phải một “viên sỏi nhỏ” chen giữa hai ngón chân làm đau thốn cả tâm can. Đó là phải thực hiện chương trình một cách khiêng cưỡng và ngu dốt. Nghĩa là thay vì phải dạy 3 tiết Hình học và 1 tiết Đại số từ tuần 32 để chia sẻ áp lực học phân môn hình học với quá nhiều kiến thức và kỹ năng quan trong vào những tuần lễ cuối năm. Đàng nầy, phải dạy theo kiểu “nhắm mắt đưa chân” của các nhà mô phạm mà không biết phấn trắng, bảng đen là gì. Nên đành phải chấp nhận một hiện tượng đau lòng, phi khoa học giáo dục là kể từ tuần 33 học sinh lớp 7, 8 phải học đến 4 tiết Hình học trong tuần. Tuy vậy, vào 2 ngày 30/4, 01/5 tới sẽ phải nghỉ 2 ngày thì không cách chi dạy kịp chương trình để đủ kiến thức – kỹ năng hình học cho các em thi học kỳ II !!!??? (Còn 2 tiết Hình học 8 : Tiết 66 (Luyện tập thể tích hình hộp chữ nhật) , Tiết 67 (Ôn tập Chương IV); tương tự còn 1 tiết Hình học 7 : Tiết 64 (Luyện tập tính chất 3 đường cao của tam giác) phải dạy sau thi học kỳ II). Nếu không làm theo một cách máy móc và vô cảm như thế sẽ bị “chụp mũ” là vi phạm qui chế chuyên môn. Sẽ bị “kiểm tra nội bộ” luôn rình rập để truy cứu trách nhiệm - một tội khá nặng dùng để “triệt hạ đối thủ”. “Trâu già chẳng nệ dao phay”, thầy biết rõ và rất bản lĩnh khi đối mặt với nó. Nhưng chẳng lẽ cuối đời lại có một tì vết nhỏ nhoi ấy làm xấu đi hình ảnh của chính mình khi xa mái trường mà hằng 20 năm gắn bó xây dựng và phát triển.
CHO THẦY XIN LỖI CÁC EM !!! về những hành tung ngu xuẩn không đáng có kể trên của thầy. Rõ ràng “mỗi khi nghe chó sủa mà ta dừng bước thì biết bao giờ mới đi hết đoạn đường” (Ngạn ngữ Ấn Độ) vẫn còn nguyên giá trị. Và dù “khi bị sĩ nhục ta tự nâng tâm hồn lên cao mãi cho đến khi sự sĩ nhục không với tới được” đã sớm trở thành phương châm hành động của thầy từ rất lâu. Nhưng “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và nọc độc của chó điên cắn sau lưng thì hậu quả khôn lường.
Đêm mưa đầu mùa, 22/4/2012. Vienphanhong@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét