Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Xin cảm ơn



THẤY GÌ QUA TIẾT DẠY: “SỐ NGUYÊN TỐ - HỢP SỐ - BẢNG SỐ NGUYÊN TỐ”
(SỐ HỌC 6) CỦA CÔ NGUYỄN THỊ KIỀU OANH
************************
            Rất tiếc, thầy phải nói lời xin lỗi cô giáo Kiều Oanh vì đã vào lớp trễ khi dự tiết thao giảng, để học sinh phải đứng lên chào và giáo viên phải mất vài phút khi đang giảng dạy. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời sau gần 40 năm giảng dạy thầy lại phải để xảy ra một sự việc bất lễ như thế. Bởi thầy nghĩ rằng sáng nay chỉ họp chuyên môn chứ không hề có tiết thao giảng nầy.
            Đúng là nếu không dự sẽ tự mình đánh mất cơ hội “ngàn vàng” để mục sở thị một tiết dạy hay đến thế. Vì mọi kỹ thuật trình chiếu, mọi thao tác sư phạm của cô giáo được tích hợp, được chuyển hóa vào tiết dạy khá điêu luyện. Có lẽ cô giáo đã chuẩn bị khá công phu cho tiết dạy nầy. Đó là điều đáng ngưỡng mộ, nói lên lòng mến khách, sự tôn trọng người dự.
Những ưu điểm của cô giáo:
            -Cô giáo đã đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và tâm huyết của mình trong mấy site của giáo án điện tử (powerpoint). Từ đó mà mỗi thao tác của cô khi điều khiển và trình chiếu rất “ăn khớp” với nhau, không có nhiều những sai sót, thiếu hoặc thừa. Giữa nội dung bài giảng kết hợp với phần trình chiếu rất nhuần nhuyển. Vì thế mà tiết dạy hết sức trơn tru, đã hấp dẫn chúng tôi – những người dự giờ đi từ những bước đầu đến bước cuối cùng với nhiều ngạc nhiên và thích thú.
            -Hiệu quả giáo dục và chất lượng tiết dạy được xác lập một cách rõ nét. Nhiều học sinh tham gia tích cực để xây dựng bài học và cùng giáo viên giải quyết những vấn đề khá sinh động và tốt đẹp. Đa số học sinh bị cuốn hút vào tiết học, nhất là những “hiệu ứng” làm nổi bật lên những con số cần thiết đang đề cập: “nguyên tố”, “hợp số”. Cô đã tận dụng tối đa những gì có thể trong kỹ thuật – công nghệ tin học để biểu diễn một tiết dạy rất mãn nhãn.
Còn một chút nhược điểm: Đó là
            Cô giáo chuẩn bị giáo trình một cách kỹ lưỡng đến từng thao tác một, như một algorit vậy. Vì thế, sau mỗi câu gợi ý hoặc phát vấn của cô, có học trò nào đó vô tình hay cố ý trả lời lệch đi – không theo trình tự được sắp đặt sẵn thì sẽ bị hoạnh họe, tra gạn một chút với tâm trạng chẳng vui vẻ tí nào. Thái độ không hài lòng của cô đã xảy ra ba bốn lần trong tiết dạy. Làm cho không khí lớp học đôi lúc bị chùn lại. Tiếc quá, nếu không có những “hạt sạn” nhỏ li ti điểm lên bức tranh muôn màu sắc ấy có lẽ tiết dạy của cô “trên cả tuyệt vời”.
            Tôi cảm thông và thấu hiểu tâm trạng bất ổn đôi chút đó của cô. Ngồi dự giờ mà tôi thầm nghĩ: “Không chỉ có cô giáo Kiều Oanh muốn học trò của mình phải nói theo, làm theo ý mình, mà còn nhiều, quá nhiều nữa là đằng khác, đã từng hành xử như thế với những người chung quanh, nhất là các vị lãnh đạo. Họ mong muốn sao những người dưới quyền của mình chẳng những nghe theo, nói theo, làm theo mà còn suy nghĩ theo” nữa. Ai nói khác hơn, làm khác hơn những điều họ đã “vạch ra” dù tất cả vì lợi ích của tập thể, vì cái chung, … đều bị quy chụp là “chống đối”, là “ương ngạnh”, là đối tượng cần phải theo dõi, giám sát gắt gao sớm tìm ra mưu chước để đối phó!!!.
            Tôi cảm thông cho cô rồi ai lại thông cảm cho tôi đây. Dạo gần đây, vì nhiều lý do khách quan khác nhau tôi đã mon men tiếp cận đến những đảng viên “ưu tú” đã có tuổi, gạn hỏi: “Vì sao các thầy, các cô ít (hoặc không) tham gia phát biểu trong những lần hội, họp như thế ? Nhiều thầy, cô đã buột miệng trả lời gần như trùng một ý: “Có trình độ lý luận sắc bén, có thâm niên kinh nghiệm thực tiễn như thầy mà còn bị trù dập, “bị đì”. Thầy có chú tâm để thấy điều đó không.  Lựa là tụi em, khi mà lời nói thì chưa suôn, lý luận thì ngắt ngứ, chứng cứ thì mơ hồ, … chắc chắn sẽ làm phật ý lãnh đạo, hậu quả sẽ tai hại không lường trước được”.
            Tôi không vội trả lời ngay mà thầm nghĩ: “Tóc tôi đã bạc nửa mái đầu, hà huống gì có thêm dăm ba sợi tóc sâu, chúng chỉ làm ngứa ngáy đôi lúc, chứ làm sao thay đổi được con người của tôi”, “những chông gai, hầm hố, đá sỏi trên đường dấn thân lập nghiệp đã không làm đau chân tôi thì lẽ nào những hạt cát nhỏ li ti đã được cưu mang, đùm bọc, hoạn dưỡng trong ống quần của tôi có dịp chui ra để tọt vào chiếc giầy tôi mang lại thừa cơ hội chen vào các kẽ ngón chân mà làm tấy mủ hay sao”?!?!?! Hèn chi lời tục nói chẳng sai: “nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà” mà!!!.
            Xin cảm ơn tiết dạy cực hay của cô giáo Kiều Oanh, xin cảm ơn những lời nhắc nhũ chân tình của quí thầy, cô đồng nghiệp. Tôi hứa sẽ học theo cách làm hay của cô giáo để mang lại hiệu quả thiết thực hơn qua những tiết dạy. Tôi hứa sẽ hạn chế tối đa có thể những lời nói của mình để không “rước họa vào thân” trong quãng đời còn lại nhằm đeo đuổi đến cùng nghiệp vĩ – trồng người. Xin cảm ơn.
Đêm giữa Thu, 10/10/2013. Nhungkhoanglanghocduong@gmail.com. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét